Nhiều khán giả cho rằng, đó là những chương trình vô bổ, nhảm nhí, thậm chí là tục tĩu khi khai thác quá sâu chủ đề sex. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để xử lý những sản phẩm bị coi là “rác văn hóa” tràn lan trên mạng hiện nay.
Đỏ mặt với chương trình giải trí online
Gây chú ý nhất trên mạng những ngày này là gameshow có tên “Dare Pong” (được Việt hóa từ chương trình của Mỹ có tên là “Fear Pong”) đã phát sóng đến tập thứ 9 trên youtube. Tham gia gameshow này có những cặp đôi từng là người yêu cũ, nghệ sĩ ít nhiều có tên tuổi trong showbiz. Thử thách đặt ra trong chương trình thường là những yêu cầu, hành động kỳ quái, khiến nhiều người liên tưởng đến vấn đề nam nữ nhạy cảm.
Những cô nàng nóng bỏng trong series “Hot girl đại chiến” của kênh “Vitamin Girl”.
Theo thể lệ của chương trình, sẽ có hai đội tham gia trò chơi. Mỗi đội có 10 cái cốc xếp trên bàn, 7 cốc có chứa mẩu giấy ghi yêu cầu mà người thua cuộc phải thực hiện. Hai bên lần lượt ném quả bóng bàn về phía cốc của đối phương. Nếu đối phương ném trúng bóng bàn vào ly của người chơi còn lại có mẩu giấy ghi yêu cầu thì người này có quyền lựa chọn làm theo yêu cầu hoặc uống rượu trong cốc. Nếu làm theo yêu cầu thì người chơi không phải uống và cốc vẫn được giữ lại trên bàn. Ly không có yêu cầu thì người chơi phải uống hết rượu trong cốc. Bên nào hết ly trước thì thua cuộc, đội thắng được nhận phần thưởng 1 triệu đồng.
Điều đáng nói là những yêu cầu mà người thua cuộc phải thực hiện rất thô tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt. Trong tập 1 của “Dare Pong” với sự tham gia của hot girl mạng xã hội, thành viên nhóm hài BB&BG đình đám một thời Lâm Á Hân và hot boy lai Nga Nhikolai Đinh, hai bạn trẻ này đã phải thực hiện nhiều thử thách nhạy cảm như: “Tả 3 tư thế “yêu” mà bạn thích nhất nhưng đổi vai”, “Để đối thủ ăn sushi trên người bạn” hay “hôn theo kiểu lady and the tramp” (tức hai người cùng nhau ăn mì và từ từ rút ngắn dần khoảng cách”.
Trong tập 8 của chương trình, người chơi Trần Ngọc Khanh gặp phải thử thách “để đối thủ cởi một món đồ trên người bằng răng”. “Đối thủ” của Trần Ngọc Khanh là cô gái có biệt danh Rose Xinh không ngần ngại dùng miệng cởi thắt lưng cho anh. Bên cạnh đó, nhiều người chơi trong chương trình còn vô tư văng tục, nói những từ ngữ nhạy cảm khiến nhà tổ chức chương trình phải đánh dấu đứt quãng vào phần phụ đề chạy phía trước màn hình.
Kênh giải trí online có tên là “Vitamin Girl” liên tiếp có những sản phẩm gây sốc. Đáng chú ý như clip “Hot girl đại chiến”, phần chơi “Càng dài càng sướng”. Bốn cô gái trong bộ đồ mát mẻ cùng thi nhau thực hiện thử thách dạng chân, gập người ăn xúc xích. Ai ăn được nhiều xúc xích hơn là người thắng cuộc. Hay thử thách thi uống sữa trong những hộp nhỏ mà chỉ dùng miệng để ngậm và uống, không được dùng tay. Ngoài ra, trước ống kính, những cô gái xinh đẹp còn tự nhiên nói chuyện, so sánh dưa chuột, chuối với lời lẽ, thái độ rất dễ “gây hiểu nhầm”. Không khó để tìm những clip có cảnh quay, thử thách tương tự trên các kênh giải trí online như “Tả pí lù”, “Bùm TV”, “Art TV”...
Khó ngăn chặn “rác văn hóa”?
Nhiều khán giả cho rằng, việc kiểm soát các sản phẩm giải trí đưa lên mạng internet đang bị thả nổi. Không có lời cảnh báo hoặc giới hạn nào khi truy cập và xem các chương trình này. Những câu chuyện, tình huống nhạy cảm, lời nói tục tĩu, phản văn hóa đó sẽ dần nhiễm vào đầu và ảnh hưởng đến thái độ ứng xử, hành vi, lối sống của giới trẻ. Vô hình trung, những chương trình giải trí online đang cổ súy cho lối sống, cách ứng xử không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Vì vậy việc nêu cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong giáo dục, định hướng con cái là điều cần thiết. Tuy nhiên, “mấu chốt” chính là lương tâm, trách nhiệm của các nhà sản xuất chương trình.