Hà Nội

Chuẩn bị thuốc Tết

09-01-2017 07:56 | Dược
google news

SKĐS- Tết đến xuân về, ai ai cũng nô nức đón chờ và chuẩn bị cho Tết thật rộn ràng, vui vẻ, trong mọi vật chất để dùng cho ngày Tết thì nên chuẩn bị một số thuốc để dự phòng trong mỗi gia đình.

Chuẩn bị thuốc Tết 1

Nên chuẩn bị loại thuốc gì?

Mọi người đều biết, trong những ngày vui xuân đón Tết không ai muốn làm phiền hàng xóm và càng không muốn gõ cửa phòng khám, cửa hàng bán dược phẩm. Để yên tâm, mỗi gia đình nên lưu ý một số điều để những ngày vui xuân đón Tết được vui vẻ, yên tâm. Với những người mắc bệnh mạn tính đã được xác định cần chuẩn bị đủ các loại thuốc cần thiết, nếu để thiếu thuốc bệnh sẽ tăng lên, đôi khi còn gây nguy hiểm.

Thuốc dùng cho bệnh mạn tính là thuốc mà bác sĩ đã kê đơn và đã được dùng hằng ngày, ví dụ bệnh tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, hen suyễn, bệnh đái tháo đường, bệnh viêm đại tràng mạn tính, bệnh xương khớp, bệnh gút... Trong những ngày Tết, với các bệnh mạn tính có liên quan đến chế độ ăn uống, càng cần có thuốc để uống một cách đều đặn, tuyệt đối không được bỏ hoặc dùng không thường xuyên do thiếu thuốc. Ví dụ, bệnh đái tháo đường, trong những ngày Tết, do chế độ ăn uống không được kiểm soát nghiêm túc có thể làm cho đường huyết tăng cao và nguy cơ gây hôn mê rất có thể xảy ra. Hơn nữa, những ngày Tết, mấy ai lại nhắc nhở người có bệnh là ăn nhiều hay ăn ít, uống nhiều hay đừng uống, bởi vì thường có câu “no 3 ngày Tết”. Những ngày Tết thường làm đảo lộn nhịp sống thường ngày, ngoài ăn uống không điều độ, ăn nhiều bữa, không kiêng khem được, nhất là bánh ngọt, nước ngọt, rượu, bia, cà phê, thuốc lá, lại quên uống thuốc hoặc hết thuốc càng làm cho đường huyết tăng cao đột biến. Với người có bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch thì trong những ngày Tết cũng nên chuẩn bị thuốc giảm huyết áp một cách đầy đủ, nếu thiếu thuốc sẽ làm cho huyết áp tăng đột biến, thậm chí xuất hiện cơn tăng huyết áp cấp tính có thể đưa đến đột quỵ, tai biến mạch máu não. Điều đáng lưu ý là thuốc làm giảm huyết áp cần chuẩn bị đủ các thuốc đã được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và đang dùng hằng ngày, không nên quá lo lắng cho những ngày Tết mà tự mua thêm các loại khác khi không có trong đơn của bác sĩ. Bởi lẽ là thuốc làm giảm huyết áp, gần như loại nào cũng có tác dụng phụ, vì vậy đang dùng một loại nào đó không có tác dụng phụ và duy trì được huyết áp ổn định thì không nên mua dự phòng thêm một loại khác.

Ngày Tết, chắc chắn việc ăn uống sẽ có nhiều thay đổi (cả về lượng, cả về chất và cả về số lần ăn, uống trong ngày), vì vậy, nếu người mắc bệnh về đường tiêu hóa mạn tính như viêm loét dạ dày, viêm đại tràng mà thiếu thuốc thì rất có thể bệnh sẽ tái phát. Một số bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tâm phế mạn (người lớn), viêm phế quản co thắt (trẻ em) không nên để thiếu thuốc làm giãn cơ trơn (thuốc chống khó thở) vì nếu thiếu sẽ rất nguy hiểm khi cơn hen kịch phát xuất hiện. Do đó, cần chuẩn bị đủ thuốc các loại mà bác sĩ đã kê đơn điều trị. Nói như vậy có nghĩa là với các bệnh mạn tính, đã có đơn thuốc của bác sĩ thì cần chuẩn bị các loại thuốc đầy đủ cho các ngày Tết, tránh hiện tượng do thiếu thuốc để uống (tiêm) làm cho bệnh nặng thêm, thậm chí gây biến chứng.

Thuốc thông thường: Trong mỗi gia đình cần có một số loại thuốc cấp cứu thường ngày để khi có sự cố xảy ra chưa đến mức phải đi bệnh viện ngay thì có thuốc để sử dụng như thuốc hạ sốt, giảm đau (paracetamol, efferalgan...), thuốc chống mất nước khi bị nôn (do say rượu), tiêu chảy thường do rối loạn tiêu hóa (oresol, smecta), thuốc chống say tàu xe (nếu phải đi tàu, xe) như một số cao dán. Cũng nên chuẩn bị một số loại thuốc thông dụng như thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi (cloramphenicol 0,4%, sunfarin, nước muối sinh lý) để dùng khi bị đau mắt đỏ, sổ mũi hoặc ngạt mũi (nước muối sinh lý vệ sinh mũi, mắt sau khi đi ra đường trở về, nhất là các trẻ nhỏ). Trong dịp Tết cũng nên chuẩn bị một số thuốc sát trùng như betadin, cồn 70 độ, băng dính... Riêng đối với thuốc kháng sinh thì không được mua dự phòng khi không có đơn của bác sĩ bởi vì thuốc kháng sinh chỉ dùng để điều trị khi có bệnh nhiễm khuẩn và cũng tùy theo mức độ của bệnh cũng như bệnh thuộc cơ quan nào thì dùng loại kháng sinh gì chứ không thể dùng tự do được. Nếu tự ý mua kháng sinh không rõ loại gì, thuộc nhóm kháng sinh nào để dự phòng là rất nguy hiểm bởi vì khi tự mua thuốc kháng sinh để chữa bệnh được gọi là dùng kháng sinh bừa bãi. Việc dùng kháng sinh bừa bãi, không những không khỏi bệnh mà nhiều trường hợp bệnh nặng thêm, đôi khi gây nguy hiểm, đó là chưa kể đến dị ứng thuốc kháng sinh hoặc làm gia tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn, gây khó khăn cho việc điều trị.

Một vài lời khuyên của thầy thuốc

Để cho những ngày Tết đúng nghĩa, những người bệnh đang dùng thuốc, nhất là bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh đái tháo đường, hen suyễn... ngoài việc có thuốc dùng đủ thì nên tự nhắc nhở mình là đang mang bệnh cho nên cần ăn, uống kiêng khem đúng mực (không lạm dụng và cũng không nên kiêng khem quá mức). Ăn điều độ, đúng bữa, không nên uống quá nhiều rượu, bia, cà phê hoặc hút nhiều thuốc lá, bởi vì ngày Tết người thân trong gia đình hoặc bạn bè, do tế nhị nên rất khó nhắc nhở. Các loại thuốc dự phòng khác không phải cho bệnh mạn tính cũng chỉ chuẩn bị vừa đủ trong các ngày Tết, không nên mua với số lượng nhiều, bởi vì khi thuốc đã quá hạn sử dụng thì phải bỏ đi, nếu tiếp tục dùng sẽ lợi bất cập hại.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu


Ý kiến của bạn