Hà Nội

Chiều cao của ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam Đạt các mốc “khủng”

30-08-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - ĐTQG của các chân dài bóng chuyền vừa có chủ công trẻ Trần Thị Thanh Thúy chạm mốc 1m90, trong khi cả đội hình cũng đạt mức trung bình 1m80.

ĐTQG của các chân dài bóng chuyền vừa có chủ công trẻ Trần Thị Thanh Thúy chạm mốc 1m90, trong khi cả đội hình cũng đạt mức trung bình 1m80. Đây là những thông số kỷ lục hiện tại ở làng bóng chuyền nữ Đông Nam Á, cho dù về thành tích, trình độ chuyên môn tuyển Việt Nam hãy còn kém xa tuyển Thái Lan.

13 tuổi đã cao… 1m78

Cựu HLV trưởng ĐTQG và Bình Điền Long An Lương Khương Thượng vẫn nhớ như in mình đã choáng như thế nào khi gặp Trần Thị Thanh Thúy trong một tiết học thể dục. Cô học trò 13 tuổi đang học lớp 7 đã cao tới 1m78. Lúc đầu ông Thượng cũng tưởng Thúy ngồi nhầm lớp hay học muộn, chứ “làm gì có chuyện 13 tuổi đã cao 1m78”. Sau khi tìm đủ các nguồn để xác minh đúng là Thúy sinh năm 1997, ông thầy kỳ cựu đã hiểu rằng mình đang đứng trước một “viên ngọc thô” mà cả đời tuyển chọn chưa từng thấy. Ngoài chiều cao 1m78, Thúy còn có các chỉ số về sải tay, tầm với, sức bật tại chỗ đều vượt xa mức lý tưởng của bóng chuyền Việt Nam.

ĐTQG bóng chuyền nữ đã lựa chọn được các VĐV có chiều cao và kỹ thuật tốt. Ảnh: CTV

ĐTQG bóng chuyền nữ đã lựa chọn được các VĐV có chiều cao và kỹ thuật tốt. Ảnh: CTV

Vị HLV kỳ cựu càng mừng hơn vì dù trước đó chưa từng động đến trái bóng chuyền, song Thúy lại rất mê môn này, thường xuyên theo dõi các trận đấu qua truyền hình, với thần tượng là các chị Ngọc Hoa và Phạm Yến. Thúy đã vui vẻ dẫn ông thầy lạ về nhà để nói với bố mẹ.

Săn được “khủng long” cũng khó khăn

Mọi chuyện hóa ra nan giải, phức tạp hơn nhiều dự tính của ông Thượng bởi gia đình Thanh Thúy từ Hà Nam vào Bình Dương lập nghiệp, và rất có điều kiện kinh tế, lập tức từ chối. Họ cũng thẳng thắn trình bày quan điểm muốn cho con gái theo con đường học văn hóa, không thích thể thao, và cũng... chẳng biết ông Thượng là ai.

2 tuần sau, ông HLV say nghề tiếp tục lặn lội từ Long An lên Bình Dương, cùng cả mấy thành viên khác của đội bóng theo cùng hỗ trợ cho thêm sức thuyết phục với gia đình Thúy. Tuy nhiên, lần thứ 2 này cũng chưa ăn thua gì, cho dù ông Thượng đã dùng đủ cách, từ lời hứa sẽ đưa trở thành một tài năng, có nghề nghiệp ổn định, đóng góp cho bóng chuyền Việt Nam đến việc “dọa” một cô bé cao kều như thế sẽ chỉ phù hợp và chỉ tìm được chồng trong môi trường thể thao.

1 tháng sau, ông Thương lại  quay trở lại thứ 3. Ngoài chuyện tâm sự về mọi nhẽ, ông còn lấy chính trường hợp của mình, chỉ có một người con duy nhất vẫn cho theo thể thao, và rất thành đạt, bố mẹ Thúy mới xuôi xuôi. Có lẽ họ cũng thấy rõ sự tâm huyết và niềm tin của ông thầy già. Tất cả chỉ kết thúc bởi một cuộc đối rượu mà ông thầy nổi tiếng đã phải uống say túy lúy, rồi nhận được một lời quả quyết từ đáy lòng của bố Thúy “Tôi giao cháu cho thầy. Cháu như thế nào nhờ cậy vào thầy cả”.

Và ngay buổi chiều cùng ngày, cô bé 13 tuổi cao 1m78 đã thu xếp quần áo, sách vở theo thầy Thượng gia nhập “lò” Long An. Tại đây, đích thân ông đã xác lập một lộ trình đào tạo riêng cho Thúy, rồi trực tiếp cùng các HLV trẻ kèm cặp “viên ngọc thô”. Hiện tại, dù đã lui lại tập trung làm trẻ, không còn dẫn dắt đội 1 nhưng HLV Lương Khương Thượng vẫn theo sát từng bước tiến của cô học trò đặc biệt. Chỉ sau đúng 5 năm, Thanh Thúy đã là chủ công cao nhất, và quan trọng hơn triển vọng nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam.

Nhờ được đào tạo bài bản theo một quy trình chặt chẽ, nên Trần Thị Thanh Thúy đang là chủ công toàn năng bậc nhất của ĐTQG. Không chỉ là “máy ghi điểm” và “bước tường chắn”, tài năng 18 tuổi còn có cú phát bóng bay hóc hiểm, và có thể tung ra các cú dứt điểm từ sau vạch 3m xuyên dàn chắn. Hiện tại, cả làng bóng chuyền nữ chỉ có Đỗ Thị Minh và Thúy thực hiện được cú dứt điểm khó kiểu này. Tất nhiên, hành trình vươn cao của Thúy mới chỉ bắt đầu, với rất nhiều điều phải cải thiện, rõ nhất về sức mạnh và sức bền.

Đội tuyển của các chân dài 1m80

Sau chủ công Thanh Thúy, một thành viên khác của ĐTVN- phụ công Bùi Thị Ngà cũng có chiều cao đặc biệt với 1m87. Đang thua đàn em 3cm, bản thân cũng coi như đã dừng cao song xét hình thể nói chung, tuyển thủ 21 tuổi của Thông tin LienVietPostBank đến từ Ninh Bình lại toàn diện hơn.

Chính 2 “sếu vườn” Thúy - Ngà đã kéo chiều cao trung bình ở ĐTVN lên đáng kể, nhất là khi mặt bằng chung của cả đội cũng vượt xa so với các thế hệ trước. Đơn cử với đội hình đang tranh tài tại VTV Cup,  nếu trừ Phạm Thị Liên và Nguyễn Thị Kim Liên chơi ở vị trí đặc thù libero, chiều cao trung bình của 9 tuyển thủ còn lại đạt mức 1m795cm. Có thể coi như đội đã có tầm cao 1m80. Trong đó, người cao nhất Thanh Thúy với 1m90 và người thấp nhất Nguyễn Linh Chi cũng 1m73. Linh Chi cũng là tay chuyền 2 cao nhất lâu nay ở ĐTQG.

Chiều cao trung bình của ĐTVN đang vượt tới 4cm so với lứa 2007 và 2cm đội hình 2012. Đây cũng đã là thông số thuộc diện tốt nhất ĐNÁ, hơn cả Thái Lan, nằm trong nhóm 2 của châu Á.

Có nghĩa là, những người có trách nhiệm đã không còn thể lấy lý do... chiều cao hạn chế để biện hộ cho tình trạng giậm chân tại chỗ, tụt hậu kéo dài của ĐTQG. Chiều cao giờ bắt đầu có thể được coi như một lợi thế mà bóng chuyền Việt Nam đang có cho các mục tiêu tầm cao. Tất nhiên, dù rất cơ bản song đó mới chỉ là 1 trong hàng loạt điều kiện cần và đủ cho 1 ĐTQG mạnh. Với chiều cao trung bình 1m795, ĐTVN hiện đã hơn mức chung của ĐTQG Thái Lan khoảng 2- 3cm. Thực tế, từ vài năm trước, các chân dài Việt Nam đã vượt người Thái. Và nếu nhìn từ sự chêch lệch rõ nét giữa 1 ĐTVN đang trẻ hóa mạnh mẽ với U23 Thái Lan tại VTV Cup, có thể thấy, chiều cao sẽ là một lợi thế trong nhiều năm tới.

Thế nhưng, sự thật, bóng chuyền nữ Việt Nam mới chỉ có thể hình hơn, hay chính xác hơn là so được với tuyển Thái Lan ở mỗi chiều cao. Từ đẳng cấp, lối chơi ở cấp độ ĐTQG tới nền tảng phát triển, hệ thống đào tạo, tính chuyên nghiệp, tuyển Việt Nam đều kém xa, có thể tính bằng... cả thập kỷ.

Xuyến Chi

 

 


Ý kiến của bạn