Chiến công của các thầy thuốc

20-12-2017 12:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đối mặt với B52 trong trận chiến Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa, các thầy thuốc ngành y tế bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt, đã kiên cường bám trụ các bệnh viện (BV) để cứu chữa bệnh nhân, cùng với quân và dân Hà Nội sống, chiến đấu và chiến thắng.

Mặt trận của các thầy thuốc Hà Nội chống chọi với B52 khỏe và vững, được nhân dân tin yêu, cảm mến.

Từ tháng 2/1965, giặc Mỹ leo thang ném bom đánh phá miền Bắc. Ngày 17/12/1972, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã phạm một tội ác lớn nhất thời đại là ra lệnh cho máy bay B52 ném bom rải thảm thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

BV Hữu nghị Việt Đức: Trung tâm ngoại khoa của cả nước

Năm 1966, một hội nghị khoa học cả quân và dân y được tổ chức dưới sự chủ trì của GS. Tôn Thất Tùng với chủ đề “Xử trí các vết thương do vũ khí mới, đặc biệt các vết thương do bom bi”. Hai tập sách Một số vấn đề về ngoại khoa thời chiến do GS. Nguyễn Trinh Cơ chủ biên đã được xuất bản, trở thành cẩm nang trong việc xử trí vết thương chiến tranh của tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc. BV hữu nghị Việt Đức đã cử các đoàn bác sĩ đầu ngành chi viện cho chiến trường khu IV.BS. Đỗ Doãn Đại, Giám đốc BV đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hoàng thân Campuchia Norodom Sihanuk và Bà hoàng Monique thăm BV. Ảnh: TL

BS. Đỗ Doãn Đại, Giám đốc BV đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hoàng thân Campuchia Norodom Sihanuk và Bà hoàng Monique thăm BV. Ảnh: TL

Tại BV, tất cả mọi việc đều chuyển sang chế độ làm việc thời chiến: gara ôtô thành nơi phân loại chấn thương, căn hầm của tòa nhà 1A được chuyển thành khu mổ với nhiều bàn mổ. Các hầm thông khí dưới các tòa nhà của các phòng bệnh là các hầm bệnh nhân. Các phòng pha chế huyết thanh, trữ máu hoạt động suốt ngày đêm.

Tất cả nhân viên BV đều sẵn sàng. Mỗi khi có tin máy bay địch đánh phá Hà Nội và các vùng lân cận, các cán bộ đang ở nhà khẩn trương xung phong vào BV nhận nhiệm vụ. Sau hồi còi báo động, người dân các khu phố đều xuống hầm trú ẩn, các nhân viên đầu đội mũ phòng không, ngực đeo biển “cấp cứu phòng không” hối hả phóng xe đạp đến BV.

Trong đợt phục vụ trận Điện Biên Phủ trên không, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS. Tôn Thất Tùng và BS. Nguyễn Dương Quang, BV đã  điều động nhiều đội cấp cứu đến các vùng bị máy bay Mỹ bắn phá như Gia Lâm, Đông Anh, Đức Giang và nhiều địa điểm khác ở ngoại thành Hà Nội để cấp cứu và chuyển nạn nhân về BV.

GS. Tôn Thất Tùng kể: “Từ ngày 19/12 trở đi, lần nào chúng tôi cũng mổ từ 7 bàn mổ cho đến 13 bàn mổ  mỗi lần. Có khi trên một bàn mổ có đến 2, 3 kíp làm việc. Chỉ 5 phút  ngay sau lúc chuyển bệnh nhân vào viện là có bệnh nhân nằm trên bàn mổ sau khi đã qua tổ chức chọn lọc. Bộ phận truyền máu có ngày cho dùng đến 20-30 lít máu. Bộ phận hồi sức, bộ phận hiện đại nhất của BV Việt Đức đã cứu sống được đa số bệnh nhân bị choáng trong đêm rét lạnh, với những vết thương hiểm nghèo.

...Các anh em lái xe vất vả nhất, đã ngày đêm luân chuyển nhiều bệnh nhân. Các chị dược tá đã ngày đêm pha chế huyết thanh, mà mỗi ngày phải dùng đến hàng trăm lít. Không có một nữ y tá nào vắng mặt trong các giờ cao điểm. Lúc B52 đánh vào, các chị y tá nhỏ bé không một chút nao núng, các chị vẫn tỉnh táo truyền máu, theo dõi bệnh nhân, điều khiển các máy thở. Các bác sĩ trẻ ngày đêm bình tĩnh mổ xẻ, đến nỗi đứt cả kẽ tay và chân sưng lên. Kết quả là một thắng lợi to lớn làm rạng mặt ngành mổ xẻ nước ta: hơn 400 nạn nhân, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em đã được phẫu thuật, điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong chỉ là 2,94%. Đó là con số tốt nhất, không kém các nước tiên tiến trong những điều kiện ác liệt hơn đâu hết”.

BV Bạch Mai: Một pháo đài trắng

Từ năm 1965, để phục vụ công tác phòng không, BV đã biệt phái gần 300 cán bộ cùng với thuốc men, dụng cụ, phương tiện làm việc về công tác tại 8 quận, huyện Hà Nội giúp ngành y tế Hà Nội. BV đã cử 5 đội phẫu thuật lưu động vào phục vụ chiến sĩ và đồng bào tuyến lửa anh hùng Khu IV. Đồng thời đã tổ chức 2 đội cấp cứu phòng không lưu động sẵn sàng từ BV tỏa đi phục vụ các nơi bị oanh tạc ở nội ngoại thành Hà Nội.

Sau một số cơ sở y tế khác ở các địa phương bị oanh tạc, đến lượt BV Bạch Mai, một trung tâm y tế và y học lớn nhất miền Bắc trở thành mục tiêu tấn công của giặc Mỹ.Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm BV Bạch Mai sau đêm BV bị ném bom. Ảnh: TL

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm BV Bạch Mai sau đêm BV bị ném bom. Ảnh: TL

BV Bạch Mai đã phải trải qua 4 lần bị oanh tạc. Lần thứ nhất là vào hồi 8 giờ sáng ngày 17/11/1967. Ngày 27/6/1972, BV Bạch Mai lại bị máy bay Mỹ tấn công một lần nữa. Nhưng, BV Bạch Mai vẫn hoạt động, vẫn tiếp nhận các bệnh nhân và nạn nhân từ các địa phương gửi về. Bệnh viện tích cực sửa chữa các khoa, phòng bị tàn phá để có nơi phục vụ bệnh nhân .

Hồi 12h5 ngày 19/12, máy bay Mỹ đã ném 4 quả bom phá vào BV Bạch Mai. Phòng khám đa khoa và Khu xét nghiệm của Viện Tai Mũi Họng cùng nhiều nhà cửa xung quanh bị đổ sập. Tiếp theo từ 3h30 đến 3h45 sáng ngày 22/12/1972 máy bay B52 tiếp tục ném bom vào BV. Giặc đã ném hơn 100 quả bom đủ các cỡ, phá hủy phần lớn BV, gây ra một tội ác hết sức man rợ. Toàn BV trở thành bãi bom, đổ nát hoang tàn.

Khu nhà A đồ sộ hai tầng chính mặt trước của BV, nơi đặt Phòng Thường trực của lãnh đạo BV và Phòng Mổ cấp cứu, đổ sập hẳn xuống nửa bên cánh trái. Tiếp đó là khu nhà B: tầng trên là Khoa Da liễu và tầng dưới là Viện Tai Mũi Họng bị trúng bom bị sập cả hai tầng. Cả tòa nhà bị đổ sập tường và các tảng bê tông lớn chẹn chặt, bít cửa xuống tầng hầm, nơi có các thầy thuốc của Khoa Da liễu đang trú ẩn. Khu C của Khoa Nội đã đổ sập hai tầng nhà và cầu thang, khoét sâu xuống tận móng nhà, lấp kín lối xuống đường hầm và chèn lấp một quãng hầm. Nhiều khoa khác cả đến khu nhà giặt cũng đều bị bom.

Dưới tầng hầm khu B, cửa hầm bị lấp kín, ngay khi dứt tiếng bom, mặc dầu trên đầu máy bay giặc vẫn đang gầm rít, lực lượng cứu sập của BV và của thành phố đã lao ngay vào công việc cứu sập.

Việc tổ chức cứu sập ở các khu rất khẩn cấp, nơi có nhiều người đang bị các tấm bê tông nặng hàng chục tấn dần dần nén xuống. Sự sống chết xảy ra trong gang tấc, dù đã được ròng ống cao su dẫn ôxy, tiếp tế nước uống, sữa nước cho người trong hầm...

Để cứu các cán bộ và người bệnh  bị kẹt dưới tầng hầm, các y, bác sĩ và đội cứu hộ phải phá cửa hầm để len vào trong đưa người ra.

Từ miệng hầm nhỏ và thấp luôn vọng ra những tiếng kêu cứu. Giám đốc BV, BS. Đỗ Doãn Đại đã nằm sát xuống đất và bò lết vào trong hầm như kiểu bộ đội bò qua hàng rào dây thép gai vào đồn địch ngày xưa, sau đó BS. Nguyễn Văn Luân và BS. Nguyễn Bá Kinh thay nhau bò vào để cõng trên lưng từng người bị nạn đưa ra cửa hầm hoặc cố kéo thi thể những người đã tử nạn ra khỏi những tấm bê tông nén chặt xung quanh mà không sợ những tấm bê tông ấy có thể ập xuống đè ngay cả bản thân mình. Mỗi khi có còi báo động họ lại phải bò ra ngoài, còi báo yên lại vào đưa người ra, việc làm kéo dài suốt cả ngày đêm hôm đó. Sau trận bom man rợ ấy, 28 người đã tử nạn rất thương tâm.

Và chỉ 4 ngày sau cái đêm 22/12  đau thương đó, ngay trong tầm bom nổ, BV Bạch Mai đã tiếp tục tiếp nhận cấp cứu nhiều người bị thương khi giặc Mỹ đem máy bay B52 rải bom hủy diệt khu phố Khâm Thiên đêm 26/12/1972.

BV Bạch Mai đã đứng vững vì có một tập thể cán bộ công nhân viên của BV cùng nhiều cán bộ, sinh viên của Trường đại học Y Hà Nội rất kiên cường, đã đoàn kết thành một khối, làm việc hết sức mình.

Sáng sớm ngày 23/12/1972, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới thăm BV. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng và nhiều phái đoàn quốc tế. Đại sứ các nước, các nhà báo đã đến thăm BV và chia sẻ nỗi đau thương lớn lao mà BV đã chịu đựng.

Tội ác của kẻ thù với BV Bạch Mai đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới, thức tỉnh lương tri loài người ở mọi quốc gia. Cả thế giới lên án đế quốc Mỹ đã ném bom BV Bạch Mai.

Thầy trò Trường ĐH Y Hà Nội dũng cảm trong công tác cứu thương

Trong 12 ngày đêm quân dân Thủ đô chiến đấu quyết liệt chống trả máy bay B52 Mỹ, hàng chục giảng viên và 540 học sinh từ năm thứ ba đến năm thứ sáu Trường đại học Y Hà Nội đã có mặt ở 10 BV nội ngoại thành và Trạm Cấp cứu 05 để sẵn sàng tham gia cứu chữa kịp thời đồng bào bị nạn.Mổ cấp cứu các bệnh nhân bị thương trong tầng hầm của BV. Ảnh: TL

Mổ cấp cứu các bệnh nhân bị thương trong tầng hầm của BV. Ảnh: TL

Ngay từ những phút đầu tiên của các trận chiến đấu đêm 18/12, anh chị em đã phục vụ hết sức dũng cảm. Tổ I-Y4B đang ở BV Xanh Pôn,  được lệnh chi viện cho Đông Anh đều hăng hái xung phong mặc dù máy bay giặc đang trút bom xuống nhiều nơi. Nhiều giảng viên và sinh viên các tổ 1, tổ  2 lớp Y6A, tổ 20 lớp Y6E, Tổ 11 lớp Y4C phục vụ ở BV Bạch Mai đã tham gia cứu sập, tìm kiếm người bị nạn ngay cả trong khi bom đạn giặc đang nổ và tham gia khắc phục hậu quả.

Sinh viên các tổ 17, 19  lớp Y6E thường xuyên túc trực tại Đội Cấp cứu 05, sẵn sàng lên đường đi làm nhiệm vụ khi có lệnh. Có những lần trên đường đi, gặp máy bay giặc bắn phá, anh chị em nhanh chóng chuyển nạn nhân từ ôtô xuống hầm và theo dõi vết thương, khi yên ổn lại tiếp tục chuyển nạn nhân lên xe đi tiếp. Nhiều sinh viên cả ngày không ăn uống vẫn phục vụ hết sức mình.

Tại BV Việt Đức, có đêm thầy trò tham gia làm việc ở 8 bàn mổ cấp cứu suốt từ 1 giờ khuya đến 4h30 sáng. Tại các BV Xanh Pôn, Bạch Mai, Đống Đa..., số nạn nhân dù có nhiều vẫn được cứu chữa kịp thời, bảo đảm yêu cầu của chuyên môn, hạn chế tỷ lệ tử vong.

Vừa phục vụ chiến đấu, vừa giảng dạy và học tập, thầy trò Trường đại học Y khoa đã phát huy tính chủ động và tinh thần độc lập công tác của mình.

Chỉ tính riêng thầy trò Bộ môn Ngoại đã phục vụ cấp cứu 1.008 nạn nhân với 273 ca mổ xẻ. GS. Tôn Thất Tùng, Giám đốc BV Việt Đức, đã viết: “Lực lượng sinh viên Trường đại học Y khoa đã có một vai trò quyết định trong việc hoàn thành nhanh chóng các khâu mổ xẻ vì đã ngày đêm khiêng cáng nạn nhân không kể mệt nhọc, không kể thiếu ngủ”.


TRẦN GIỮU
Ý kiến của bạn