Chia sẻ kinh nghiệm EU trong xây dựng danh mục thuốc BHYT

25-10-2013 14:52 | Thời sự

Ngày 24.10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên và ông Takesi Kasai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chủ trì hội thảo kinh nghiệm quốc tế của WHO trong xây dựng danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT).

Ngày 24.10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên và ông Takesi Kasai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chủ trì hội thảo kinh nghiệm quốc tế của WHO trong xây dựng danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại Hội thảo, TS. Lars Gustaffson thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) chia sẻ kinh nghiệm thành lập Hội đồng xây dựng và quy trình xây dựng danh mục thuốc BHYT; TS. Brian Goldman (Viện Karolinska, Thụy Điển) trình bày kinh nghiệm của các nước EU trong “lựa chọn thuốc dựa vào bằng chứng và phân tích chi phí- hiệu quả trong thanh toán thuốc BHYT.

Chia sẻ kinh nghiệm EU trong xây dựng danh mục thuốc BHYT 1

Theo GS. TS. Lars Gustaffson, xây dựng danh mục thuốc BHYT cần cách tiếp cận toàn diện, cần cải thiện chất lượng kê đơn thuốc và sử dụng thuốc, thúc đẩy sử dụng thuốc hợp lý. Cách tiếp cận đa chiều theo bằng chứng khoa học, từ bằng chứng tốt nhất cho đến thực hành tốt nhất, thực hiện hiệu quả trong chăm sóc bệnh nhân. Theo tiêu chí của WHO “Liều thuốc đủ cho bệnh nhân, thời gian và chi phí thấp nhất cho cộng đồng”. Tại Stockholm (Thụy Điển), chi phí thuốc chiếm 14% chi phí y tế (tương đương 9%GNP). Cũng cần lập nên danh mục thuốc thông minh: các loại thuốc có hiệu quả điều trị cao nhất nhưng chi phí thấp nhất hay phải chăng. Các loại thuốc chưa rõ hiệu quả điều trị hay nhiều tác dụng phụ thì cần cân nhắc kỹ hoặc không nên đưa vào danh mục BHYT.

Theo GS. TS. Brian Goldman, chi phí dược tăng hơn 50% trong thập kỷ qua tại các nước OECD, trở thành chi phí tốn kém nhất đối với bệnh nhân ngoại trú. Chi phí dược tăng do già hóa dân số, các mục tiêu lâm sàng, và các dược phẩm mới có giá cao hơn quy định. WHO cảnh báo, các loại thuốc mới có chi phí gấp 3 lần GDP. Do vậy các nhà quản lý y tế cần có các sáng kiến để tối ưu hóa quản lý các sản phẩm dược mới có giá quá cao. Theo TS. Brian, hệ thống định giá thuốc mới ở Áo đưa ra ví dụ cho Việt Nam về định giá thuốc mới trong tương lai khi kết hợp với tiêu chí lựa chọn thuốc thông minh.

Hiện nay, ở Việt Nam, tổng chi thuốc chiếm khoảng 60% tổng chi phí khám chữa bệnh (KCB) của quỹ BHYT. Chi thuốc của Việt Nam cao hơn nhiều nước. Do đó các tiêu chí lựa chọn danh mục thuốc BHYT dựa trên: nhu cầu cần thiết, phù hợp với nhu cầu bệnh tật/yêu cầu điều trị; hiệu quả, an toàn chất lượng; giá thành, chi phí, hiệu quả và khả năng thanh toán; các yếu tố khác như: nghiên cứu, đánh giá lâm sàng,…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết theo Thông tư 31, sẽ chỉnh sửa bổ sung danh mục thuốc BHYT. Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến là Chủ tịch Hội đồng, các thành viên từ 28 chuyên ngành để xây dựng các quy định. Quá trình xây dựng danh mục thuốc BHYT sẽ được sự hỗ trợ của WHO, phối hợp với các chuyên viên kỹ thuật của WHO và tham vấn với các chuyên gia quốc tế tại Viện Karolinska một số lĩnh vực như tim, bệnh mắt, phóng xạ, bệnh truyền nhiễm, ung thư, sản phẩm đa thành tố,…

Nguyễn Vân


Ý kiến của bạn