Chi tỷ đô la cho mỹ phẩm nhập khẩu, người Việt đã chắc được dùng “hàng xịn”?

16-03-2018 15:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Mỗi năm, người Việt chi hàng tỷ USD để “trang điểm” bằng những loại mỹ phẩm nhập khẩu. Kinh tế đi lên và việc tiêu tiền cho làm đẹp là một tín hiệu đáng mừng nhờ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, bao nhiêu trong số đó là hàng chính hãng, còn bao nhiêu ngoại tệ đã bị phung phí cho những sản phẩm giả mạo, hàng nhái, không rõ nguồn gốc... vẫn là điều đáng bàn.

Người Việt “bạo chi” cho mỹ phẩm nhập khẩu

Thị trường hóa, mỹ phẩm những năm gần đây ngày càng phát triển mạnh cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Theo số liệu khảo sát thị trường mỹ phẩm của Trung tâm thương mại quốc tế ITC và World Bank, giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam năm 2011 là 500 triệu USD nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 2 tỷ USD, người Việt chi tiền cho mỹ phẩm trung bình khoảng 4 USD/người/năm. Riêng phụ nữ Việt chi tiêu trung bình 140.000 đồng/tháng cho mỹ phẩm, có 21% chi nhiều hơn 200.000 đồng. Số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC và World Bank cũng chỉ ra rằng, giá trị mỹ phẩm nhập khẩu của Việt Nam đã tăng đáng kể.

Mỹ phẩm đã trở thành sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. Từ những nhu yếu phẩm hằng ngày như kem đánh răng, sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm..., mỹ phẩm ngày càng đa dạng với nhiều mặt hàng chăm sóc sắc đẹp như kem chống nắng, sữa dưỡng thể, mặt nạ trắng da, phấn mắt, son môi... Sự xuất hiện của hàng trăm nghìn thương hiệu nổi tiếng thế giới, từ cao cấp như L’Oreal, Lancome, Lower, Estee Lauder, M.A.C, Dior, Shiseido, Clarins... đến phân khúc tầm trung như The Face Shop, Innisfree, Etude House, The Body Shop... cũng tạo cơ hội cho chị em phụ nữ phóng tay móc hầu bao.

Làm đẹp tại nhà chỉ chiếm một phần những con số trên, con số lớn hơn nằm ở các spa, thẩm mỹ viện nơi nhiều phụ nữ sẵn sàng nhịn ăn, bớt uống để rót hàng chục triệu đồng cho một lần chăm sóc da. Phụ nữ Việt bây giờ ngày càng chịu khó đến các spa, mỹ viện, tiêu thụ thêm một lượng lớn tinh dầu, mỹ phẩm thiên nhiên tại các trung tâm làm đẹp này. Chưa kể không chỉ phụ nữ, các đấng mày râu giờ đây cũng rất quan tâm đến nhan sắc, các dòng mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp cho nam giới ngày càng phong phú và được ưa chuộng.

Chi tỷ đô la cho mỹ phẩm nhập khẩu, người Việt đã chắc được dùng “hàng xịn”?Bạo chi cho  mỹ phẩm không phải là cam kết để phụ nữ Việt được dùng hàng chính hãng.

Các công ty nghiên cứu cũng đưa ra dự báo thị trường mỹ phẩm Việt Nam sẽ cán mốc 2,35 tỷ USD vào năm 2018, đồng thời đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tỷ suất tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Không ít mỹ phẩm ngoại sản xuất tại... “không ai biết”

Việc sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra không đơn thuần là tỷ lệ thuận với chất lượng mỹ phẩm mà người dùng đáng được hưởng.  Ở phân khúc hàng cao cấp, mỹ phẩm ngoại chiếm gần hết thị phần. Các công ty nội không có kinh phí đầu tư phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Vì thế, 90% thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang thuộc về các nhãn hàng nước ngoài mà trong đó đứng đầu là Hàn Quốc, còn lại là Pháp, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc.

Con số trên chỉ nói về lượng mỹ phẩm nhập khẩu, còn vô số các loại mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp sản xuất trong nước từ các cơ sở kinh doanh, sản xuất khác. Thêm nữa là rất nhiều lượng mỹ phẩm trôi nổi theo kiểu xách tay, buôn lậu và các con đường không chính thức. Khi các cửa hàng, công ty sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nở rộ lại kéo theo không biết bao nhiêu hàng hóa kém chất lượng trà trộn trong đó.

Ngày 14/3, lực lượng Hải quan cửa khẩu Móng Cái vừa bắt giữ lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu vào thị trường trong nước tiêu thụ. Lô hàng gồm gần 4.000 hộp kem dưỡng da mang nhãn Bamila, Laneige Sparkling Party trị giá gần 88 triệu. Lô hàng bị phát hiện khi lực lượng kiểm tra kho tập kết tại cổng chợ Vinh Cơ - Plaza ở phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, chứa trong 19 thùng carton gồm: 1.500 hộp kem dưỡng da nhãn hiệu Bamila loại 45 gram/hộp; 2.300 hộp kem dưỡng da ghi nhãn hiệu Laneige Sparkling Party loại 15 gram/hộp, trên bao bì sản phẩm thể hiện do nước ngoài sản xuất, mới 100%.

Trong thực tế, nhiều phụ nữ cũng cho biết rằng họ mua hàng “xịn” vì lòng tin với người bán chứ thực tâm cũng không mấy ai phân biệt nổi hàng giả, hàng nhái, đính mác hàng thật hay không. Lo ngại lớn nhất là mỹ phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi về Việt Nam được dán tem nhãn sản xuất của Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… để bán với giá thành cao. Thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi về kiểu dáng, mẫu mã, mùi hương, dẫn đến người tiêu dùng dễ dàng bị đánh lừa.

Sau lô hàng mỹ phẩm của Công ty TNHH Thiên Nhiên TS Việt Nam (Khu hành chính mới phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) bị phát hiện và thu giữ khoảng 14.000 sản phẩm trị giá gần 11 tỷ đồng, nhiều chị em tỏ ra khá hoang mang. Hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng ghi xuất xứ Hàn Quốc và New Zealand nhưng lại không xuất trình được hóa đơn chứng từ.

Con số hàng tỉ USD chi cho mỹ phẩm mỗi năm phần nào nói lên sự phát triển của nền kinh tế đang tăng trưởng nhưng mặt khác cũng cho thấy không phải ai cũng đang được xài đúng mặt hàng chất lượng, chính hãng như mình mong muốn.


Hải Anh
Ý kiến của bạn