Hà Nội

Cháy nắng và cách “chữa cháy”

18-05-2019 08:02 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Mùa hè đến cùng với kỳ nghỉ mát, tắm biển. Nhiều người mải vui trên bãi cát ngắm biển xanh đến nỗi quên mất một nguy cơ rình rập từ vầng dương rực rỡ - cháy nắng.

Cháy nắng có thể từ nhẹ đến nặng và việc đầu tiên bạn cần làm là tự sơ cứu trước khi quyết định có phải phiền đến bác sĩ hay không.

Sau vài giờ phơi nắng, bạn có thể xuất hiện những triệu chứng như da có cảm giác đau rát, đỏ bất thường, sưng hoặc có những nốt phồng rộp. Trầm trọng hơn, cơ thể có những phản ứng như đau đầu, sốt, mệt mỏi…

Cần uống nhiều nước, tăng cường các loại rau xanh, trái cây.

Cần uống nhiều nước, tăng cường các loại rau xanh, trái cây.

Nếu xác định bạn bị cháy nắng, cần tiến hành các bước như sau:

Ngay lập tức tránh vào bóng râm, vào nhà và tắm với nước mát. Lưu ý là dùng nước mát chứ không được dùng nước đá, tránh cho bỏng nắng bị sâu hơn. Để dễ chịu hơn, bạn có thể áp vào phần da bị cháy nắng khăn sạch được làm ẩm bằng nước mát.

Dùng kem dưỡng ẩm bôi lên vùng da bị cháy nắng, nếu các triệu chứng nặng có thể dùng kem hydrocortisone liều thấp (không dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú) để giảm đau, giảm ngứa rát.

Nếu bị các nốt phồng rộp, cần hết sức nhẹ nhàng, tránh làm vỡ. Để các nốt rộp tự xẹp và bong da sau vài ngày. Nếu các nốt phồng rộp bị vỡ, cần làm sạch nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng thơm, xà phòng rửa mặt, nước sạch (tùy hoàn cảnh và điều kiện mà bạn đang có). Sau đó, che phủ tổn thương bằng gạc vô khuẩn hay ít nhất cũng là vải sạch.

Không nên bôi lên da các hỗn hợp tự tạo kiểu như dầu ăn, bơ, lòng trắng trứng, sữa hay các loại thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Các loại mặt nạ dưỡng da cũng cần tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu sau đó. Cần nhớ: vùng da bị tổn thương rất nhạy cảm, tránh những tác động không cần thiết khiến chậm quá trình hồi phục. Nếu có thể, nên để da hồi phục tự nhiên.

Đi khám bác sĩ nếu bạn có những phỏng rộp lớn. Phỏng rộp lớn tốt nhất được xử lý sớm, tránh nhiễm khuẩn.

Trong giai đoạn da bị cháy nắng, bạn nên uống nhiều nước, tăng cường các loại rau xanh, trái cây. Nên hạn chế ra nắng cho đến khi da hồi phục. Mặc quần áo kín để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời, hạn chế sự tiếp xúc của tia UV gây hại. Không nên trang điểm lên làn da bị cháy nắng, tránh cho da chậm hồi phục hoặc bị sạm nám. Ăn nhiều hoa quả như cà rốt và rau quả màu cam khác cũng giúp bảo vệ chống lại làn da bị cháy nắng.


BS. Thục Trâm
Ý kiến của bạn