Chảy máu đường tiêu hóa là một chứng bệnh thuộc loại cấp cứu nội khoa hoặc ngoại khoa. Trong trường hợp xuất huyết cấp tính nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh, nhất là người có tuổi, sức yếu.
Chảy máu đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và tùy vào từng vị trí khác nhau của đường tiêu hóa. Chảy máu đường tiêu hóa có thể do bệnh xảy ra ngay tại đường tiêu hóa nhưng một số trường hợp chảy máu đường tiêu hóa nhưng bệnh tích lại ở một cơ quan khác (vỡ tĩnh mạch thực quản do bị xơ gan, lao phổi).
Nguyên nhân nào?
Chảy máu đường tiêu hóa ở phía trên có thể do loét miệng, chảy máu chân răng, vỡ tĩnh mạch thực quản và gặp nhiều nhất là bệnh ở dạ dày - tá tràng. Chảy máu dạ dày - tá tràng ngoài vết loét (loét bờ cong, hang vị, môn vị hoặc loét hành tá tá tràng), ung thư, còn có thể do tác dụng phụ của thuốc (aspirin, corticoid, nonsteroid, thuốc chống đông…). Với người cao tuổi bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch dùng thuốc aspirin chống ngưng tạp tiểu cầu, có thể bị xuất huyết dạ dày - tá tràng. Tác dụng phụ của aspirin gây chảy máu dạ dày là do aspirin có chứa các tinh thể acid salysilic làm ăn mòn niêm mạc dạ dày gây loét, chảy máu.
Người cao tuổi có bệnh về dạ dày lại dùng corticoid để điều trị bệnh khớp cũng có thể bị xuất huyết dạ dày.
Việc chăm sóc người bệnh xuất huyết tiêu hóa cần khẩn trương, thận trọng. Cần đặt người bệnh nằm trên giường hoặc cáng, để đầu thấp và thật yên tĩnh. Nếu có điều kiện cần liên hệ với hệ thống cấp cứu y tế (115) để được truyền dịch nhằm cải thiện tình trạng mất máu đồng thời chống sốc bằng các loại thuốc nâng huyết áp, thở oxy (nếu có khó thở, hoặc có hiện tượng choáng) và khi tình trạng đã đỡ thì nên chuyển người bệnh đến cơ sở cấp cứu của bệnh viện gần nhất
Chảy máu hành tá tràng còn có thể do giun móc. Giun móc là loại giun hút máu người ở ngay hành tá tràng và khi hút máu loại giun này tiết ra một chất chống đông máu, cho nên sau khi hút no máu thì gây ra máu chảy ri rỉ. Ngoài ra xuất huyết dạ dày - tá tràng ở người cao tuổi còn có thể do uống nhiều rượu, hoặc do tăng urê máu (mắc bệnh về thận), do ung thư hoặc polyp dạ dày hoặc do stress (stress làm tăng tiết acid).
Chảy máu đường tiêu hóa dưới có thể là bệnh ở ruột non (viêm túi thừa Meckel, bệnh Crohn, bệnh lồng ruột), khối u, bất thường mạch máu, huyết khối động mạch treo ruột. Hoặc bệnh gặp ở đại tràng (lỵ amíp, lỵ trực trùng, ung thư đại tràng, trực tràng hoặc do polyp đại, trực tràng gây chảy máu). Xuất huyết đường tiêu hóa phía dưới còn có thể do bệnh trĩ (nội hay ngoại), đây là một bệnh hay gặp ở người cao tuổi do táo bón kéo dài.
Triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa
Nếu xuất huyết ở dạ dày thì nôn ra máu tươi lẫn với dịch vị, thức ăn; nếu xuất huyết do vỡ tĩnh mạch thực quản thì máu màu đen lẫn với thức ăn, dịch vị, sau 1 vài ngày đi ngoài ra phân đen.
Nếu xuất huyết dạ dày - tá tràng thì phân đen như nhựa đường hoặc như bã cà phê, mùi rất khắm.
Nếu xuất huyết ở đường tiêu hóa dưới thì thường phân có máu tươi, nếu do lỵ trực khuẩn thì phân có màu hồng như máu cá, nếu do lỵ amip thì phân có máu tươi lẫn với nhầy mũi. Và nếu do trĩ thì phân có máu tươi kèm theo hoặc chỉ thấy máu tươi chảy ra. Xuất huyết tiêu hóa cấp tính thường da xanh, mệt lả, mạch nhanh, vã mồ hôi, đánh trống ngực, huyết áp tụt hoặc không đo được, thậm chí ngất xỉu.
Để chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, ngoài các dấu hiệu lâm sàng, tính chất của phân thì cần xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm chức năng gan, mật. Tùy theo tính chất của bệnh mà thực hiện các loại cận lâm sàng cần thiết khác (siêu âm, sinh thiết gan, hoặc chụp X-quang hoặc nội soi đường tiêu hóa, xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng…) để xác định nguyên nhân.
Tình trạng bệnh tùy thuộc vào lượng máu mất nhiều hay ít và mức độ của bệnh (xơ gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, trực tràng...).
Nguyên tắc chăm sóc, điều trị và phòng ngừa
Việc chăm sóc người bệnh xuất huyết tiêu hóa cần khẩn trương, thận trọng. Cần đặt người bệnh nằm trên giường hoặc cáng, để đầu thấp và thật yên tĩnh. Nếu có điều kiện cần liên hệ với hệ thống cấp cứu y tế (115) để được truyền dịch nhằm cải thiện tình trạng mất máu đồng thời chống sốc bằng các loại thuốc nâng huyết áp, thở oxy (nếu có khó thở, hoặc có hiện tượng choáng) và khi tình trạng đã đỡ thì nên chuyển người bệnh đến cơ sở cấp cứu của bệnh viện gần nhất
Nên khám bệnh định kỳ, đặc biệt là người cao tuổi và mỗi lần đi khám bệnh cần cho bác sĩ biết những bệnh về đường tiêu hóa mà mình đang gặp phải để tránh dùng các thuốc có tác dụng phụ gây chảy máu đường tiêu hóa. Cần kiêng rượu, bia, các chất kích thích (cà phê, thuốc lá, chua, cay).
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG