Cây trà hay cây chè có tên khoa học là Camellia sinensis, là loài cây mà lá và chồi được sử dụng để sản xuất trà.
Sau đây là một số bệnh ngoài da có thể dùng trà xanh để cải thiện:
Bệnh vảy nến:
Vảy nến là một bệnh diễn ra chủ yếu do di truyền, nhiễm khuẩn và các yếu tố khác như: căng thẳng, mệt mỏi, sử dụng thuốc sai cách và các tác động từ môi trường. Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng là mối lo ngại và mặc cảm của nhiều người do mất thẩm mỹ tại các vùng da bị bệnh gây nên. Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này. Cách điều trị chỉ xoay quanh việc loại bỏ các triệu chứng của bệnh từ bên ngoài. Trong đó, sử dụng trà xanh là một trong những cách như vậy.
Các chất trong trà xanh bao gồm caffeine, theocin, axít tannic…, có tác dụng như sau:
Làm chậm sự phát triển của tế bào da bị bệnh gây bong tróc. Thay vào đó, nó giúp điều chỉnh hoạt động của enzyme caspase 14, caspase 14 có liên quan đến quá trình tái tạo da.
Giúp loại bỏ tế bào da chết, xù xì do vảy nến gây ra.
Chất chống oxy hóa không chỉ có tác dụng với bệnh vảy nến mà còn có ý nghĩa tích cực với hầu hết các bộ phận trên cơ thể.
Cách dùng trà xanh trị bệnh vảy nến
- Lấy lá trà xanh tươi, rửa sạch, đun sôi cùng với nước làm nước uống trong ngày. Hoặc lấy trà khô hãm với nước sôi để uống.
- Dùng trà xanh nấu nước tắm: lá trà xanh tươi, rửa sạch, nấu nước sôi, dùng nước trà đặc pha thêm với nước lã để tắm (có thể cho thêm một chút muối làm ẩm da), trong khi tắm, dùng bã chè chà xát lên vùng da bị bệnh để tẩy tế bào da chết. Sau khi tắm xong, lau khô người cũng như vùng da vảy nến bằng khăn mềm, sạch.
Mẩn ngứa:
Khi bị mẩn ngứa do dị ứng hoặc da nổi các đốm đỏ… chọn lá trà tươi, rửa sạch (bằng muối hoặc dung dịch rửa rau), vò nát và hãm như cách pha trà để uống. Pha loãng cho âm ấm rồi tắm. Tắm 3 lần/ tuần, các vết đỏ và mẩn ngứa sẽ lặn nhanh chóng.
Da nhờn và mụn:
Trà xanh cũng rất công hiệu cho da nhờn và bị mụn, cho nên, tại các viện thẩm mỹ bác sĩ thường khuyên khách hàng rửa mặt bằng trà xanh. Cách làm như sau: dùng nước trà tươi, sau khi hãm xong và để nguội. Rửa mặt sạch, thấm gạc trang điểm vào dung dịch trà xanh vừa pha, lau mặt như dùng nước hoa hồng. Dùng trước khi đi ngủ, đều đặn mỗi ngày. Phương pháp này giúp làm sạch da, se nhỏ lỗ chân lông, ngừa lão hóa và ngừa mụn. Nếu không có thời gian, bạn có thể cho nước trà đã hãm vào chai rồi cất vào tủ lạnh, mỗi tối lấy một ít pha với nước ấm và rửa mặt. Đừng dùng nước trà quá đặc và cũng đừng rửa lại với nước, để trà thẩm thấu vào da hiệu quả hơn.
Nước trà xanh cũng đặc biệt tốt cho việc trị mụn. Khi da bị nổi mụn nhiều. Nếu là mụn cám thì rửa mặt với trà xanh ngày 2 lần (sáng và tối) để làm sạch nhờn và bụi bẩn. Nếu có mụn mủ thì dùng gạc sạch nặn hết phần mủ ra, tẩm nước trà xanh thấm lại lần nữa. Để như vậy đến sáng hôm sau, phần da sẽ se lại, khô ráo, mụn xẹp hẳn. Cứ giữ da mặt sạch, khoảng vài ngày, mụn sẽ hết.
Rôm sảy ở trẻ:
Trong nước trà xanh có rất nhiều phenol. Loại chất này có công dụng tiêu viêm, là ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn, siêu vi trùng có hại. Bên cạnh đó, muối chứa NaCl, có khả năng thanh nhiệt giải độc, sát trùng và tiêu viêm. Khi kết hợp nước trà xanh và muối sẽ mang đến công dụng tuyệt vời, giúp tiêu diệt vi trùng rôm sảy và các vết viêm đỏ, ngứa ngáy. Thường xuyên sử dụng loại nước này sẽ phòng ngừa được tình trạng rôm sảy và bảo vệ làn da bé. Nước trà xanh pha muối trị rôm sảy rất hiệu quả.
Cách pha chế nước trà xanh với muối: nên pha trà xanh và muối theo tỉ lệ 10: 1. Ví dụ 30g trà xanh thì pha với 3g muối. Có thể hãm nước trà xanh, sau đó hòa muối vào. Hoặc đun lá trà xanh với nước và cho thêm muối. Đợi hỗn hợp nước nguội bớt, mẹ có thể dùng khăn mùi xoa sạch tẩm dung dịch nước vừa pha rửa chỗ bị rôm sảy, hoặc tắm trực tiếp trong 10 phút, chú ý giữ nước trà xanh ấm để bé không bị lạnh. Cuối cùng tráng người bé với nước sạch.
Lưu ý rằng, không nên dùng chè khô thay thế cho lá chè tươi. Pha trà xanh với muối theo tỉ lệ 10:1 rồi hòa vào nước tắm cho bé.
Một vài điều chú ý khi dùng nước trà xanh pha muối để tắm:
- Khi tắm, nên dùng nước trà xanh pha muối ở nhiệt độ ấm phù hợp, không nên để nước bị nguội. Da trẻ con rất mẫn cảm, nếu dùng nước lạnh sẽ làm lỗ chân lông bị se lạnh, mồ hôi không tiết ra được làm bệnh càng thêm nặng; nước quá nóng sẽ kích thích các chỗ rôm sảy càng phát triển.
- Sau khi tắm xong, tránh dùng các phấn thơm, phấn rôm cho trẻ. Làm như vậy sẽ tránh trường hợp nước cùng phấn làm tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho rôm sảy phát triển.