Ông bạn người Đức của tôi, E.Borchers (Chiến sĩ), người đã tham gia cách mạng Việt Nam trước 1945 và lúc đó là đại diện Thông tấn xã Đông Đức, dẫn tôi đến thăm cụ Tôn Đức Thắng. Hồi đó cụ có lẽ cũng vào tuổi 60, mặc bộ quần áo lụa bà ba, tiếp chúng tôi vừa giản dị, vừa thân mật. Tôi cứ nghĩ 16 năm gian khổ làm tù khổ sai ở Côn Lôn mà sao cụ vẫn quắc thước và lạc quan đến thế. Cứ nghĩ đến câu: “Nhất dạ tại tù, thiên thu tại ngoại”, tôi vô cùng khâm phục một vị trưởng lão yêu nước mà vẫn giữ được ý chí bất khuất sau 16 năm giam cầm.
Nhà lãnh tụ cách mạng Nam Phi Mandela (1918-2013).
19 năm sau khi cụ Tôn Đức Thắng được Cách mạng Tháng Tám 1945 giải phóng thì đến lượt một nhà lãnh tụ cách mạng Nam Phi Mandela (Man-de-la, 1918-2013) cũng bị cầm tù 28 năm (từ 1962-1990). Quả cũng là một tấm gương bất khuất, đáng khâm phục. Cả hai vị đều có cái may là ra tù, tuy đã tuổi cao mà còn đủ sức khỏe và nghị lực để thực hiện lý tưởng của đời mình.
Nelson Mandela sinh năm 1918, trong một gia đình da đen thuộc bộ lạc Bantoue có học và có uy tín. Nam Phi nổi tiếng là một đất nước bị xâu xé, đau khổ vì nạn phân biệt chủng tộc dã man Apartheid giữa người da trắng và người da đen.
Mandela là một luật sư. Sớm giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào đấu tranh Apartheid, trở thành lãnh tụ của cuộc đấu tranh. Cuộc đấu tranh mang tính chất bất bạo động cho đến năm 1960, khi cảnh sát nổ súng giết chết hơn 60 người biểu tình. Ông chuyển sang đấu tranh bí mật và du kích vũ trang, tổ chức thường xuyên biểu tình và đình công. Năm 1962, ông bị ở tù. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động và cuối cùng chế độ Apartheid đã bị chấm dứt. Ông nhận giải Nobel Hòa bình năm 1993 cùng với người bạn chiến đấu là De Klerk. Chế độ chính trị đa chủng tộc được thiết lập. Mandela trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Ông thực hiện một chính sách hòa giải rất khó khăn giữa các màu da.
Sau khi về hưu, ông không ngừng hoạt động. Vào những năm 2000, ông tham gia cuộc đấu tranh chống đói nghèo và bệnh AIDS, tệ nạn lâu dài, ít được chú ý ở Nam Phi. Năm 2008, sinh nhật 90 tuổi của ông được tổ chức như một lễ hội quốc gia. Ông mất năm 95 tuổi do bệnh phổi, có lẽ do những năm tháng gian khổ ở tù.
Sau đây là một số suy nghĩ của Mandela:
Có những việc dường như là không thể thực hiện được đến khi ta bắt tay vào làm.
Tôi đã học được rằng sự dũng cảm không phải là không biết sợ mà là khả năng thắng cái sợ.
Giáo dục là vũ khí hiệu quả nhất để thay đổi thế giới.
Một tấm lòng tốt cùng một trí tuệ sáng suốt bao giờ cũng là một sự kết hợp tuyệt vời.
Không có gì thể hiện tâm hồn của một xã hội mạnh mẽ hơn là cách thức mà người ta đối xử với trẻ em.
Tiền bạc sẽ không tạo ra được thành công, sự tự do trong việc kiếm tiền mới tạo ra thành công.
Những con người dũng cảm thì không sợ tha thứ, nhân danh hòa bình.
Tôi không phải là một vị chúa cứu thế mà chỉ là một con người bình thường đã trở thành lãnh đạo do những hoàn cảnh đặc biệt.
Trong cuộc đời mình, tôi đã hoàn toàn tự cống hiến cho sự đấu tranh của người dân châu Phi. Tôi đã đấu tranh chống lại sự đô hộ của người da trắng cũng như tôi đã đấu tranh chống lại sự đô hộ của người da đen. Lý tưởng tha thiết của tôi là một xã hội tự do và dân chủ mà trong đó, tất cả mọi người sống trong hài hòa và với những cơ hội như nhau. Tôi hy vọng sống để đợi ngày đó. Nhưng nếu cần thiết, tôi sẵn sàng chết cho lý tưởng ấy.
Tính cách được đo trong những hoàn cảnh khó khăn và một anh hùng sẽ không chịu khuất phục ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Vinh quang lớn nhất không phải là không bao giờ vấp ngã mà là biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.
Tôi bao giờ cũng biết rằng tình thương và sự hào hiệp luôn tồn tại trong sâu thẳm của lòng người. Không ai sinh ra đã thù ghét một người khác chỉ vì màu da, quá khứ hay tôn giáo của họ.
Tôi khám phá ra bí mật này: sau khi leo hết một đồi, tất cả những cái mà ta khám phá ra là còn rất nhiều ngọn đồi khác cần phải leo lên.
Ngay cả những lúc khốn khổ nhất trong tù, khi các bạn tôi và tôi đã kiệt quệ, bao giờ tôi cũng nhận ra một tia sáng nhân đạo ở một trong những người canh tù, dù chỉ trong một giây ngắn ngủi nhưng điều đó đủ để khiến tôi yên tâm mà tiếp tục đấu tranh.
Tư duy bằng trí óc chứ không bằng máu.
Chẳng ai trong chúng ta hành động một mình mà thành công được.
Nhà tù không làm ta nhụt chí, mà càng củng cố thêm sự quyết tâm theo đuổi cuộc đấu tranh cho đến khi thắng lợi.
Tôi đã không muốn cũng không thể để mình đi đến tuyệt vọng. Con đường ấy dẫn đến thất bại và cái chết.
Nếu như trước kia, tôi cho rằng pháp luật, theo hướng lý tưởng hóa giống như thanh gươm của công lý, thì giờ đây tôi lại thấy pháp luật như là một công cụ mà tầng lớp cầm quyền sử dụng để uốn nắn xã hội theo hướng có lợi cho họ.