Cảo thơm lần giở: Machiavelli (1469 - 1527) nghĩ gì?

23-01-2016 08:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Có những nhân vật đi vào lịch sử mà cái tên đã biến dạng thành tính từ để miêu tả những hành động, tình cảm, tư duy, sáng tác mang tính chất tương tự như của họ.

Có những nhân vật đi vào lịch sử mà cái tên đã biến dạng thành tính từ để miêu tả những hành động, tình cảm, tư duy, sáng tác mang tính chất tương tự như của họ. Trường hợp nhân vật Ý Machiavelli là một thí dụ.

Trong ngôn ngữ Pháp, Machiavelli phiên âm là Machiavel (đọc là Makiaven), phát sinh ra tính từ “machiavélique” có nghĩa là mưu mô, gian hùng, xảo quyệt, thủ đoạn... TD: chính khách gian hùng (politicien machiavélique). Tính từ tiếng Anh: “machiavellian” và tính từ tiếng Đức: “machiavellistisch” cũng có nghĩa tương tự.

Vậy Machiavelli là ai?

Machiavelli Nicolo (Ma-ki-a-ve-li Ni-cô-lô) là nhà văn và nhà chính trị Ý thời kỳ văn nghệ Phục hưng. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc sa sút. Cha là một luật gia, mẹ làm thơ, ông học văn hóa cổ Hy Lạp-La Mã rất sâu... Ông hoạt động chính trị năm 1498, phụ trách quân sự và ngoại giao lãnh địa cộng hòa Firenze (Phi-ren-xê), ông đi xứ nhiều nơi (Pháp, Đức...), lập một đội quân. Năm 1512, ông bị mất chức sau khi họ Medici (Mê-đi-xi), nắm quyền bính. Sống ở ẩn bảy năm, trong thời gian đó, ông viết các tác phẩm chính. Năm 1519, ông lại được họ Medici (Mê-đi-xi) cho ra làm việc. Tám năm sau, Medici bị phế truất, Firenze lại thiết lập nền Cộng hòa, ông bị gạt ra khỏi môi trường chính trị, một tháng sau thì chết. Ông viết nhiều thể loại (ký sự, thơ, tài liệu quân sự, sử, kịch), nhưng nổi tiếng do một luận văn triết học chính trị: Ông Hoàng (tức là người trị quốc) (II Principe, 1532), có nhiều ảnh hưởng rất lớn, mãi đến ngày nay. Nước Ý thời đó bị chia cắt thành nhiều quốc gia nhỏ cần có một chính quyền vững mạnh, thống nhất. Ông đề ra những phương pháp để cai trị hiệu quả nhất: muốn có một nhà nước vững mạnh, cần có một người đứng đầu mạnh, người trị quốc (Ông Hoàng) ấy cần phải luôn luôn tỉnh táo, không để cho lương tâm và đạo lý làm cho lúng túng, cần dũng cảm, sử dụng mưu trí hơn là sức mạnh được quyền thất hứa và giết người. Thành công là điểm quan trọng nhất, đạo lý và tôn giáo phải đặt dưới lợi ích quốc gia. Hài kịch Man-đra-gô-la của ông (Mandragola, 1524) là vở hay nhất Ý thời Phục hưng: đả kích tính chất giả dối của đạo lý và tôn giáo.

Machiavelli được coi là lý thuyết gia của khái niệm “lợi ích quốc gia”  (Raison d’État), có thể dẫn tới chủ nghĩa Phát xít và Sôvanh. Đọc Machiavelli nhiều khi nghĩ đến Tào Tháo.

Sau đây là một số suy nghĩ của Machiavelli:

* Những con người ở trên trái đất đều có những niềm đam mê như nhau.

* Khi ý chí cao thì khó khăn bớt đi.

* Ngẫu nhiên quyết định hơn một phần nửa các hành động của người ta, còn lại là phần mình quyết định.

* Trời đất sinh ra ta với khuynh hướng ước muốn tất cả mọi thứ và đồng thời sự bất lực không thực hiện được ước muốn.

* Không phải cái gì cũng là chính trị, nhưng chính trị liên quan đến tất cả mọi thứ.

* Có hai cách đối đầu: một cách bằng luật pháp, một cách bằng bạo lực. Cách thứ nhất là của con người, cách thứ hai là cách chung của con người và con vật.

* Người ta khởi chiến khi muốn đánh, người ta kết thúc cuộc chiến khi có thể.

* Một cuộc chiến tranh là chính nghĩa khi nó cần thiết.

* Mỗi sự thay đổi lại chuẩn bị cho một sự thay đổi khác.

* Nói xấu khiến người ta bực mình mà không sửa họ được.

* Trong lĩnh vực chính trị, sự lựa chọn ít khi là giữa cái tốt và cái xấu, mà là giữa cái thậm tệ và cái ít xấu hơn.

* Cái dở thông thường của con người là không dự phòng bão táp trong khi đẹp trời.

* Người ta gây thù oán khi làm điều lành cũng như khi làm điều ác.

* Cai trị là biết cách làm cho người ta tin mình.

* Để dự đoán tương lai, cần biết quá khứ. Vì các sự kiện ở thế giới này đều có liên quan với những thời điểm trước đó, đều sinh ra bởi những con người có cùng những niềm đam mê. Những sự kiện ấy nhất định phải đem lại những hậu quả tương tự.

* Muốn có hiệu quả, phải giấu kín những ý đồ của mình.

* Con người ta dễ quên cái chết của cha mình hơn là quên việc không được hưởng gia tài.

* Thời bình, lính đánh thuê ăn cắp vặt. Thời chiến, y đào ngũ.

* Một hành động vì nghĩa và êm ái nhiều khi cảm kích lòng người hơn là bạo lực và man rợ.

* Trị quốc, có nghĩa là đặt dân trong tình trạng không thể hại quân vương được, ngay cả trong ý nghĩ.

* Khinh người và căm ghét hẳn là hai vật cản mà các quân vương phải hết sức tránh.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn