Cảnh báo việc sử dụng thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh

09-07-2018 07:00 | Xã hội

SKĐS - Thông tin từ BHXH tỉnh Nghệ An cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2018, BHXH tỉnh này phát hiện 57 trường hợp sử dụng thẻ BHYT của người khác; 21 trường hợp sử dụng chứng minh thư giả và 1 trường hợp sử dụng giấy chuyển tuyến giả của BVĐK TP. Vinh (giả con dấu và chữ ký).

Thu hồi thẻ, tiền khám chữa bệnh BHYT của nhiều đối tượng

Trước tình hình đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tiến hành lập biên bản tạm thu hồi thẻ BHYT của nhiều trường hợp như: Nguyễn Công Hưng (SN 1981, xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành); Đặng Văn Nhật (SN 1984, xã Hưng Đông, TP. Vinh); Lê Thị Nhung (SN 1977, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu); Nguyễn Đình Hữu (SN 1971, xóm 11, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ); Võ Hữu Hòa (SN 1984, Công ty TNHH PREX Vinh); Nguyễn Thị Hồng Lam (SN 1968, phường Hưng Bình, TP. Vinh); Nguyễn Trọng Quyết (SN 1980, xóm 4, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương)...

Đặc biệt, BHXH tỉnh phát hiện trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1969, xóm 5, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) sử dụng thẻ BHYT của ông Nguyễn Văn Liệu trú cùng xã để thực hiện khám chữa bệnh tại BVĐK Nghệ An. Đối với trường hợp này, cơ quan BHXH phối hợp với bệnh viện tiến hành lập biên bản tạm thu hồi thẻ BHYT của ông Nguyễn Văn Liệu. Đồng thời, yêu cầu BHXH huyện Yên Thành kiến nghị với UBND xã Hợp Thành ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hùng. Không cấp lại thẻ BHYT cho ông Nguyễn Văn Liệu; thực hiện chức năng “Thu hồi thẻ BHYT” trên hệ thống phần mềm cho đến khi ông Nguyễn Văn Hùng xuất trình quyết định xử phạt vi phạm hành chính và hóa đơn nộp phạt với cơ quan BHXH huyện Yên Thành; đồng thời thu hồi chi phí KCB phát sinh tại BVĐK Cửa Đông từ ngày 16 - 17/1/2018 với số tiền 3.005.240 đồng.

Đây là những trường hợp vi phạm do được phát hiện kịp thời nên không gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại với mức độ thấp cho quỹ BHYT. Tuy nhiên, không thể không kể đến các trường hợp trục lợi quỹ BHYT nhưng chưa bị phát hiện, nếu vẫn diễn ra thường xuyên, có thể gây thất thoát quỹ BHYT là rất lớn.

Mượn thẻ BHYT đi khám bệnh có phạm tội không?

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều người vì vô tình do không hiểu biết hoặc cố ý mượn thẻ BHYT của người khác để khám bệnh, chữa bệnh. Nhiều bác sĩ cấu kết với bệnh nhân hoặc tự ý lấy mã số thẻ BHYT của người dân lập hồ sơ, bệnh án để thanh toán tiền BHYT. Các hành động này đều gây phương hại đến quỹ BHYT, ảnh hưởng quyền lợi của người khác.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người tham gia BHYT có nghĩa vụ: “Sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ BHYT”.

Cùng với đó, Điều 65 Nghị định 76/2013/NĐ-CP có quy định: “2. Phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong KCB theo 1 trong các mức: Từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; Từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả số tiền đã được quỹ BHYTchi trả vào tài khoản thu của quỹ BHYT đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này; Buộc người sử dụng thẻ BHYT hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được quỹ BHYT chi trả vào tài khoản thu của quỹ BHYT đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi thẻ BHYT đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Đặc biệt, từ 1/1/2018, Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực, trong đó quy định rõ tội gian lận BHYT có thể bị phạt tù.

“Như vậy, hành vi cho mượn hoặc mượn thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh là trái quy định của pháp luật”, vị chuyên gia trong lĩnh vực BHXH cho biết.


Tuệ Anh - Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn
Tags: