Bài 2: Ý kiến các chuyên gia
Trên báo SK&ĐS số 43 ra ngày 16/3/2018 đã lên án những trào lưu sinh con “thuận tự nhiên” - đẻ tại nhà, “anti vắc-xin”, “sữa mẹ là thần dược” đang lan tràn trên mạng xã hội và lôi kéo đông đảo nhóm người tin theo, cổ xúy. Trong số báo này chúng tôi có cuộc trao đổi với các chuyên gia sản phụ khoa, vắc-xin, dinh dưỡng để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm sự nguy hại của các trào lưu này cho sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS. Vũ Bá Quyết.
* PGS.TS. Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương:
“Thuận theo tự nhiên” cần được hiểu cho đúng
PV: Thưa ông, gần đây, trên mạng xã hội có những thông tin về các ca đẻ tại nhà không cần đến sự giúp đỡ của nhân viên y tế, ông đánh giá như thế nào về chuyện này? Có những nguy cơ nào đối với sản phụ và em bé trong các cuộc đẻ như thế?
PGS.TS. Vũ Bá Quyết: Không phải tự nhiên mà các cụ xưa có câu “gái chửa - cửa mả”. Đó là bởi ngày xưa, y tế chưa phát triển, điều kiện chăm sóc sản khoa cũng kém hơn bây giờ nhiều, người ta đa phần đẻ tại nhà khiến tỉ lệ tử vong ở bà mẹ mang thai, sản phụ và trẻ sơ sinh cao. Mới gần đây, ngành y tế còn tổ chức hội nghị tuyên dương các cô đỡ thôn bản, những người được đào tạo để hỗ trợ cho các phụ nữ mang thai ở vùng sâu, vùng xa có được các cuộc đẻ an toàn, được theo dõi và chăm sóc khi mang thai và khi đẻ. Việt Nam với sự nỗ lực của ngành y tế những năm qua trong công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, được thế giới công nhận. Song vẫn còn những nơi như vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh còn cao cũng bởi tập tục đẻ lạc hậu tại nhà. Chúng ta cũng luôn khuyến khích phụ nữ mang thai đi khám thai ít nhất 3 lần, đến cơ sở y tế để sinh nở. Bởi vì trong khi mang thai và trong một cuộc chuyển dạ có rất nhiều nguy cơ. Nguy cơ lớn nhất là 5 tai biến sản khoa gồm: nhiễm khuẩn hậu sản, băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, sản giật, uốn ván rốn (tai biến cho con). Nguy cơ cho mẹ có thể là: rách tầng sinh môn, chảy máu, băng huyết, nhiễm khuẩn (hậu sản), nhiễm khuẩn huyết, chưa kể tới những nguy cơ từ các bệnh bà mẹ có sẵn từ trước như tăng huyết áp, bệnh thận... đều có thể dẫn tới nguy hiểm cho bà mẹ, thậm chí tới tử vong. Nguy cơ cho con khi sinh tại nhà không có hỗ trợ y tế bao gồm: trước hết là ngạt dẫn đến tử vong hoặc dẫn tới các biến chứng như phù não, suy hô hấp... ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sau này...; Với điều kiện sinh tại nhà, trẻ có thể nhiễm khuẩn dây rốn, tỉ lệ uốn ván rốn cao, nhiễm khuẩn huyết, không được tiêm phòng vắc-xin sau sinh như vắc-xin viêm gan B.
PV: Ông có ý kiến gì về trường hợp khoe đẻ con tại nhà, không tiêm vắc-xin, để nguyên bánh rau 5-6 ngày cho tự khô, tự rụng rốn?
PGS.TS. Vũ Bá Quyết: Không rõ người ta lấy cơ sở khoa học nào để quay lại thời kỳ mông muội như thế. Với khí hậu Việt Nam nóng, ẩm, bánh rau có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Bạn cứ hình dung xem, đồ ăn, thịt cá để 1-2 ngày còn ôi thiu nữa là. Bánh rau nhiễm khuẩn sẽ lây lan tới rốn dẫn đến nhiễm khuẩn rốn, nhiễm khuẩn huyết ở trẻ.
PV: Vì sao có cả những người ở thành phố, nơi thông tin phát triển lại nghe tin theo “đẻ an toàn tại nhà theo tự nhiên” một cách phản khoa học như vậy. Ông có thể lý giải điều này?
PGS.TS. Vũ Bá Quyết: Tôi nghĩ rằng họ đang hiểu sai về khái niệm “thuận theo tự nhiên”. Thuận theo tự nhiên là tôn trọng sinh lý tự nhiên, sinh lý chuyển dạ và hỗ trợ khi cần thiết. Chẳng hạn, chúng tôi luôn khuyên không nên chọn giờ để sinh mà chờ chuyển dạ tự nhiên. Hoa đến giờ mới nở, chuyển dạ mới sinh. Không kích đẻ. Hiện nay, chúng tôi áp dụng phương pháp da kề da, nghĩa là sinh xong trẻ được đặt áp da lên ngực người mẹ, cho bú ngay những giọt sữa non đầu tiên, áp dụng cắt rốn chậm để tận dụng nốt những giọt máu cuống rốn cho bé. Sinh thuận theo tự nhiên là như thế. Chứ còn nếu thai ngôi ngược hay tiền sản giật, tim thai suy... thì cần sự can thiệp để cuộc đẻ được an toàn. Một số ca đẻ tại nhà và trào lưu đẻ tại nhà đã được dấy lên trên thế giới từ lâu lắm rồi và đã bị giới khoa học phủ nhận. Thuận theo tự nhiên không có nghĩa là phản khoa học, quay lại phủ nhận toàn bộ thành quả và cố gắng vì sức khỏe con người của ngành y.
TS.BS. Phạm Quang Thái.
* TS.BS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng (TCMR) miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ TW:
Dịch sởi năm 2014 - Bài học đắt giá cho những bà mẹ vẫn mơ mộng về sống thuận theo tự nhiên và tẩy chay tiêm chủng
“Một người bạn chia sẻ với tôi bức ảnh do bố anh ấy chụp năm 1976 tại một bệnh viện (BV) của Hà Nội, cả dãy hành lang bệnh viện đã được sử dụng để thu dung thêm các bệnh nhân mắc sởi. Hồi đó, bệnh sởi đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi năm, chưa nói đến gánh nặng cho ngành y tế mỗi khi đến mùa dịch. Khi đó, chúng ta ao ước có được vắc-xin để đẩy lùi chứng bệnh này. Và thực sự khi Chương trình TCMR được đưa vào Việt Nam, chương trình đã đạt những thành tựu rất lớn như thanh toán bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005, giảm số mắc sởi 3.010 lần, giảm số mắc ho gà 844 lần, giảm số mắc bạch hầu 410 lần. Trong suốt giai đoạn đó, người ta chỉ quan tâm nhiều đến gánh nặng bệnh tật và tỉ lệ tiêm chủng tăng rất cao. Kết quả thật tuyệt vời, Khoa Truyền nhiễm BV là khoa vắng nhất do rất ít bệnh nhân nhập viện.
Tuy nhiên, khi bệnh đã giảm đến mức rất thấp mà chưa đạt mức thanh toán như trường hợp của bệnh bại liệt, người ta quan tâm nhiều đến phản ứng sau tiêm, kể cả phản ứng do bản chất vắc-xin hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Khi đó, phong trào phản đối vắc-xin có cơ sở để trỗi dậy. Nói người ta dễ quên những thành tựu mà tiêm chủng mang lại cũng chưa hẳn đúng, bởi vì họ chưa bao giờ trải qua những ngày tháng mà bệnh tật hoành hành do chưa có vắc-xin. Họ dễ dàng hùa vào nói xấu vắc-xin và tiêm chủng. Sự ngây ngô và tâm lý đám đông mỗi khi bàn luận về các khía cạnh bị cho là xấu của một vấn đề làm cho những quan điểm mang hướng bảo vệ cho vắc-xin và TCMR nhanh chóng bị nhấn chìm trong những câu mạt sát, chửi bới. Điều này khiến tôi nghĩ nhiều đến hình ảnh một con voi (thành tựu của tiêm chủng) bị nhét vừa một lỗ kim (một vài phản ứng lẻ tẻ khi sử dụng vắc-xin).
Trong một số trường hợp, họ đưa ra những lập luận “rất khoa học” với minh chứng rõ ràng là các công trình đăng tải trên tạp chí uy tín, như trường hợp năm 2016, tạp chí Frontiers in Public Health đã cho đăng công trình nghiên cứu của tác giả Anthony R. Mawson đề cập mối liên quan giữa tiêm chủng và dị ứng cùng các rối loạn về tăng trưởng thần kinh. Dù bài báo này đã được gỡ xuống bởi sai lầm trong cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, nhưng nó vẫn được dùng như một chiêu bài chứng minh cho sự không an toàn của vắc-xin. Và các bà mẹ tiếp tục chuyền tai nhau với những khẳng định “chắc như đinh” là chuyên gia này, giáo sư kia đã thừa nhận để cộng đồng chung tay phản đối vắc-xin và ủng hộ khuynh hướng sống tự nhiên của họ.
Khuynh hướng tự nhiên không cần vắc-xin và tiêm chủng sẽ may mắn nếu như dịch bệnh đã hoàn toàn được khống chế hoặc được một cộng đồng lớn với miễn dịch bảo vệ vây quanh. Đứa trẻ tự nhiên đó sẽ vô hình trung được bảo vệ. Nhưng hãy nghĩ, khi không có miễn dịch cộng đồng như vậy, những trẻ không được bảo vệ sẽ trực tiếp gặp nguy cơ phơi nhiễm với bệnh. Khi ấy, dịch lan rộng kèm theo hàng trăm trẻ tử vong như những gì ta thấy trong vụ dịch sởi năm 2014 sẽ là bài học đắt giá cho những bà mẹ vẫn còn mơ mộng về sống thuận theo tự nhiên và tẩy chay tiêm chủng.
Bài học từ vụ dịch sởi 2014 cho thấy, chỉ khi dịch bệnh quay lại thì phong trào phản đối vắc-xin tự nó sẽ xẹp xuống, nhường chỗ cho những nỗ lực nâng cao tỉ lệ và chất lượng tiêm chủng đến khi bệnh được loại trừ hoàn toàn và không phải dùng vắc-xin đó nữa. Nhưng khi bệnh dịch chưa bị đẩy lùi hoàn toàn, sau khi các vụ dịch đã lắng xuống, anti vắc-xin lại có chỗ để trỗi dậy.
Có người đã nói những đứa trẻ mất đi trong vụ dịch sởi năm 2014 cảnh tỉnh chúng ta hiểu đúng về anti vắc-xin và góp phần nâng cao lại tỉ lệ tiêm chủng có xu hướng xuống dốc, những đứa trẻ đó hi sinh không vô ích. Chúng tôi không muốn dịch lại xảy ra và cướp đi sinh mạng những đứa bé vô tội như vậy. Mỗi chúng ta hãy có trách nhiệm hơn với những phát ngôn, những sự tham gia vô ý thức vào những diễn đàn đi ngược lại xu hướng toàn cầu”.
Tiêm vắc -xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ. Ảnh: TM
* BS. Lê Quang Hào - Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
Sữa mẹ tốt thật nhưng nó không phải là thuốc trị bách bệnh
“Sữa mẹ là một thực phẩm “toàn năng” vì có đủ cả bốn nhóm thực phẩm cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ cho một cơ thể người. Chất đường trong sữa là đường lactose rất dễ tiêu hóa. Chất đạm trong sữa mẹ có giá trị sinh học rất cao. Trong sữa mẹ có đầy đủ tất cả các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể trẻ.
Việc cho con bú sữa mẹ trong năm đầu tiên đang được khuyến khích tại nhiều nước trên thế giới. Cho con bú làm gia tăng sức đề kháng của trẻ trước các bệnh thông thường và các bệnh tim mạch bởi vì sữa mẹ trong những ngày đầu chứa nhiều protein. Trong đó, 50% hàm lượng protein là các globulin miễn dịch (chủ yếu là IgA), có tác dụng chống lại các vi khuẩn, virut gây bệnh. Trong khoảng 2 tháng đầu tiên, sữa mẹ được coi là liều vắc-xin hiệu nghiệm cho cơ thể non yếu của trẻ. Trẻ bú sữa mẹ (ít nhất 6 tháng đầu) có thể giảm được nguy cơ mắc nhiều loại bệnh cấp và mạn tính như tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp...
Bé sơ sinh bị hỏng giác mạc do nhỏ sữa mẹ chữa bệnh về mắt.
Không thể phủ nhận được vai trò của sữa mẹ trong những năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên gần đây, nhiều người đã quá lạm dụng vai trò của sữa mẹ. Nhưng từ chỗ quảng bá sữa mẹ một cách tích cực, có người lại ủng hộ rất cực đoan, thậm chí đưa ra những giá trị khoa học lệch lạc. Họ cho rằng sữa mẹ có thể giúp con trẻ chống lại mọi bệnh tật: nhỏ để chữa đau mắt cho trẻ, chữa bệnh tim bẩm sinh, thậm chí giúp trẻ có thể mọc lại ngón tay… Điều này hoàn toàn phi lý và không có cơ sở khoa học. Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất là môi trường “lý tưởng” giúp vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, nên nếu nhỏ sữa vào mắt sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công khiến bé mắc các bệnh về mắt. Đối với trẻ đang bị các bệnh về mắt, khi nhỏ sữa mẹ dễ khiến bệnh trở nặng hơn, dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, nguy hiểm nhất là làm giảm thị lực của bé.
Đây có thể gọi là một dạng thông tin giả (fake news), tạo ra nhiều hệ luỵ cho người tiếp nhận nếu họ không có khả năng phân biệt. Nhiều thông tin quá cực đoan, không kiểm chứng, phản khoa học, thậm chí có hội còn phản bác tiêm vắc-xin, cho rằng chỉ cần bú mẹ là có thể ngừa được mọi bệnh tật. Sữa mẹ tốt thật, nhưng nó không phải là thuốc trị bách bệnh.
Chính vì vậy, trong thời đại công nghệ như hiện nay, các bà mẹ cần hết sức cảnh giác với mọi thông tin kiểu thất thiệt trên. Việc lạm dụng sữa mẹ để chữa bệnh không những làm bệnh không khỏi, còn có thể gây nhiễm khuẩn, thậm chí bệnh có thể nặng thêm nếu không được chữa trị kịp thời”.
Vấn đề đặt ra là chế tài xử lý thế nào với những người có hành vi phát tán, cổ xúy cho những phương pháp bảo vệ sức khỏe phản khoa học, gây hại cho cá nhân, gia đình và cộng đồng? Trong số báo tới chúng tôi sẽ mời đại diện cơ quan chức năng giải đáp.