Hà Nội

Cần sự tham gia của toàn xã hội

19-12-2017 19:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.

Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.

Những thành tựu đạt được

Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư của Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII đã nêu bật những kết quả đạt được sau 25 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII với những kết quả nổi bật. Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện, phù hợp thực tiễn đời sống và xu thế của thời đại. Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, đủ khả năng triển khai hiệu quả phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, tiếp nhận các dịch vụ y tế cũng như ứng phó kịp thời thiên tai, thảm họa.

Chúng ta đã tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nhờ đó, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt hơn 73,1 tuổi, cao hơn nhiều so với những nước có cùng trình độ phát triển.

Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tăng. Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, hướng tới BHYT toàn dân; đổi mới cơ chế tài chính y tế hướng tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, chuyển dần việc đầu tư ngân sách Nhà nước trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người thụ hưởng chính sách thông qua hệ thống BHYT, Nhà nước chỉ bao cấp cho người nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi, người trong diện chính sách… và hỗ trợ một phần kinh phí cho người cận nghèo mua thẻ BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế…

Còn nhiều bất cập...

Trên thực tế công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dânvẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là nhu cầu cần được chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Trong khi đó, mô hình bệnh tật có sự thay đổi cơ bản cộng với tốc độ già hóa dân số đòi hỏi phải đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe để thích ứng với sự thay đổi này.

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn; các hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe (hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, các tệ nạn ma túy...), đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh và sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, việc hội nhập với quốc tế và khu vực đòi hỏi các cơ sở y tế phải được quy hoạch lại, đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động, phương thức quản trị của các đơn vị y tế công lập để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cần sự tham gia của toàn xã hội

Nghị quyết 20-NQ/TƯ sáu, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nhấn mạnh, một trong những giải pháp rất quan trọng, được đặt lên hàng đầu là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, các tổ chức đảng cần xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mình; tổ chức lấy ý kiến, thảo luận dân chủ trong cán bộ, đảng viên, chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực để tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Chăm sóc sức khỏe nhâ dân cầ sự tham gia của toàn xã hội.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, Chính phủ, Quốc hội rà soát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi Nghị quyết từ trung ương đến cơ sở. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng và đưa các chỉ tiêu về y tế được nêu tại Nghị quyết vào các kế hoạch, chương trình hành động, chiến lược, đề án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Nghị quyết. Các chi bộ cần đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thành một trong những nội dung sinh hoạt định kỳ. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương; gắn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục các tầng lớp xã hội, đến cộng đồng dân cư, đến từng gia đình và người dân để họ tích cực, chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Các cơ quan báo chí cần phát huy thế mạnh của các loại hình nhằm tuyên truyền và đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Đồng thời, các cơ quan lãnh đạo, quản lý xây dựng chủ trương, chính sách mới để giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và phát huy sức mạnh tổng hợp của cảhệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn