Cận cảnh giòi lúc nhúc trong mắt

18-12-2014 16:04 | Dược
google news

Bệnh nhân được các bác sỹ gắp bỏ giòi lúc nhúc trong mắt, sau đó người này được phẫu thuật khoét toàn bộ mắt phải.

PGS.TS. Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TW cho biết: “Bệnh nhân Vũ V. Đ., sinh năm 1926, trú tại xã Quang Minh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang bị nhiễm giòi ở mắt. 
 

Cận cảnh giòi lúc nhúc trong mắt
Giòi ký sinh trên mắt bệnh nhân. (Ảnh: BS cung cấp) 

Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện Mắt Trung ương. Sau khi khám sơ bộ, thấy có nhiều giòi ký sinh trong mắt nên các bác sỹ đã chuyển bệnh nhân đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TW.

Tại Phòng khám Chuyên khoa của Viện, các bác sỹ phát hiện thấy giòi lúc nhúc trong mắt bệnh nhân và đã lấy ra một số con giòi gửi cho chúng tôi để xác định tên khoa học của loài côn trùng này”.

Vì tổn thương ở mắt do giòi gây ra quá nặng, cần phải phẫu thuật và điều trị mắt, nên bệnh nhân được chuyển trở lại bệnh viện Mắt Trung ương. 

Sau khi vào viện, bệnh nhân được tiểu phẫu gắp bỏ toàn bộ giòi trong ổ mắt phải. Bốn ngày sau, bệnh nhân được mổ khoét bỏ toàn bộ mắt phải. Sau mổ, bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh, giảm nề. Một tuần sau vết thương ổn định, bệnh nhân được ra viện.

PGS Châu cho biết: Những con giòi lấy từ mắt bệnh nhân đều đã ở tuổi III, nên chỉ sau 4 ngày nuôi đã hoá nhộng và 3 ngày tiếp theo nở ra con trưởng thành. 
 

Cận cảnh giòi lúc nhúc trong mắt
 

Loài côn trùng được PGS.TS. Tạ Huy Thịnh, chuyên gia về ruồi xác định là nhặng xanh má vàng ký sinh, có tên khoa học là Chrysomyia bezziana Willeneuve,  thuộc phân họ Chrysomyiinae, họ nhặng Calliphoridae.

Loài nhặng này phân bố ở châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, nhưng chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, loài nhặng này đã được các tác giả  Senier - White và cộng sự tìm thấy vào năm 1940. Nhà khoa học Trịnh Văn Thịnh tìm thấy ở miền Bắc năm 1964, 1966 (không rõ địa điểm). 

Theo  tác giả Tạ Huy Thịnh, loài nhặng Chrysomyia bezziana phân bố rộng ở Việt Nam nhưng với số lượng cá thể không lớn và thuộc nhóm gần gia súc (trâu, bò). 

Giòi của loài nhặng này có lối sống ký sinh bắt buộc (Obligatory Myiasis).  Ấu trùng (giòi) bắt buộc phải ký sinh trên các mô lành của động vật để phát triển, hay nói cách khác ruồi không thể hoàn thành vòng đời của mình nếu thiếu giai đoạn ấu trùng ký sinh trên vật chủ.

Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp ấu trùng Chrysomyia bezzianaxâm nhiễm vào mũi, tai, mắt, vòm miệng, đường niệu đạo của người. 

Đặc biệt khi các tổ chức này bị viêm nhiễm sẽ càng thu hút ruồi cái tới đẻ trứng. Tại đây, trứng nở ra giòi sau vài giờ. 

Giòi ruồi ký sinh ở mũi và có thể tiến vào xoang mặt hoặc xuống phế quản, ký sinh ở tai và có thể di chuyển tới não.

Nếu chúng ký sinh trong ổ mắt và ở vòm miệng có thể tiến vào xoang mặt; ký sinh ở bộ phận sinh dục hoặc tiến sâu theo niệu đạo. 

Ở nước ta, loài nhặng Chrysomyia bezziana đã được coi là một đối tượng có vai trò thú y, vì đã phát hiện được giòi ký sinh trên trâu, bò. Còn trong y học chưa thấy một công trình khoa học chính thức nào về hiện tượng nhiễm giòi của loài nhặng này ở người.

Như vậy, có thể coi đây là phát hiện đầu tiên về bệnh giòi ruồi (Myiasis) ở người của loài nhặng này ở Việt Nam và xác định chính xác địa phương đã xảy ra hiện tượng này, cũng như vị trí ký sinh trên cơ thể người, cụ thể là ổ mắt.

Cũng theo PGS Châu, bệnh nhiễm giòi thường xảy ra ở những người không có khả năng tự vệ hay khả năng tự phòng vệ yếu như trẻ em, người già, người bệnh ốm yếu, và sống những nơi có phân bố loài nhặng này.

Vì vậy để phòng bệnh nhiễm giòi cần chăm sóc chu đáo những người già yếu, trẻ em, người bệnh… đặc biệt ở những nơi gần gũi với khu vực chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa). Khi bị bệnh nhiễm dòi cần đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

 


Ý kiến của bạn