Cách sử dụng thuốc sát khuẩn ngoài da

18-02-2011 07:07 | Dược
google news

Dung dịch sát khuẩn là loại thuốc thường gặp trong tủ thuốc của mỗi gia đình để sát trùng khi bị xước da, đứt tay... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc thường theo kinh nghiệm và đôi khi việc sử dụng thuốc còn không đúng cách, mang lại những tác dụng không mong muốn.

Dung dịch sát khuẩn là loại thuốc thường gặp trong tủ thuốc của mỗi gia đình để sát trùng khi bị xước da, đứt tay... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc thường theo kinh nghiệm và đôi khi việc sử dụng thuốc còn không đúng cách, mang lại những tác dụng không mong muốn. Dưới đây là cơ chế và cách sử dụng một số loại thuốc sát khuẩn hay gặp để nâng cao hiệu quả cũng như tránh những tác dụng phụ của loại thuốc này.

Cồn

Thường sử dụng cồn ethylic, nồng độ 700 có tác dụng sát trùng da, vết thương tốt nhất. Cơ chế tác dụng của cồn là gây biến tính protein của vi sinh vật, nó có tác dụng diệt khuẩn, nấm và siêu vi, không có tác dụng trên bào tử. Cồn nồng độ cao hơn cũng làm biến tính protein vi khuẩn nhưng do độ cồn cao nên vô tình đã tạo ra một lớp bọc bên ngoài bảo vệ phần bên trong của vi khuẩn khỏi tác dụng của cồn. Mặt khác, cồn cao độ hơn dễ bay hơi hơn nên cũng giảm phần nào hiệu quả sát trùng. Ngoài sát trùng vết thương tại gia đình, cồn có thể được sử dụng để sát trùng dụng cụ, sát trùng da trước khi tiêm. Cần lưu ý tránh để cồn bắn vào mắt và không được uống.

Nước ôxy già

Bản chất là một dung dịch không màu của hydro peroxyd (H2O2) trong nước với các nồng độ khác nhau (hay sử dụng là nồng độ 1,5%, 3%, 6%, 27%, 30%). Với mục đích sát trùng da và vết thương chỉ dùng ở nồng độ loãng (thường là 1,5%, 3%). Nồng độ 6% hay dùng để sát trùng dụng cụ. Còn các nồng độ 27%, 30% dùng để pha thành các dung dịch loãng hơn mới có thể sử dụng được.

Ngoài sử dụng nước ôxy già để sát trùng vết thương, vết loét, còn có thể dùng để tẩy uế da, niêm mạc; rửa miệng trong điều trị viêm miệng cấp và súc miệng khử mùi; làm sạch ống chân răng và hốc tủy răng, nhỏ tai để loại bỏ ráy tai, điều trị viêm tai có mủ...

Khi sử dụng thuốc sát khuẩn ngoài da phải theo đúng hướng dẫn.

Khi sử dụng ôxy già trên vết thương chúng ta thường thấy có hiện tượng sủi bọt. Đó là do khi bị thương, máu và tế bào tiết ra enzym catalase có tác dụng xúc tác cho phản ứng phân giải H2O2 thành nước và ôxy mới sinh. Bọt trắng chính là khí ôxy mới sinh tạo ra. Ôxy mới sinh có tác dụng ôxy hóa rất mạnh, làm tổn thương màng tế bào vi khuẩn, AND và một số thành phần thiết yếu khác của tế bào vi khuẩn. Đồng thời, hiện tượng sủi bọt cũng có tác dụng cơ học là đùn chất bẩn, mủ ra ngoài do đó làm sạch vết thương. Tuy nhiên, tác dụng sát khuẩn của nước ôxy già yếu và chỉ duy trì trong thời gian khí ôxy được giải phóng ra, mà thời gian này rất ngắn.

Nước ôxy già không phải là một chất sát khuẩn nguy hiểm, tuy nhiên cần lưu ý một số điểm khi sử dụng dưới đây. Thứ nhất, vì nước ôxy già có thể gây kích ứng và gây “bỏng” da và niêm mạc và với những vết thương nhỏ thì chỉ cần nồng độ loãng đã có tác dụng cho nên để sát trùng vết thương chỉ dùng ôxy già nồng độ loãng (1,5%, 3%). Thứ hai, không bôi ôxy già vào những vết thương đang lành (lên da non) vì ôxy già sẽ gây tổn thương nguyên bào sợi làm vết thương lâu lành hơn. Thứ ba, chỉ được sử dụng ôxy già cho những vết thương hở, không được bôi vào những vùng kín hoặc nhỏ vào những khoang kín của cơ thể vì ở những nơi đó ôxy giải phóng ra nhưng không thoát ra được, có thể gây những biến chứng rất nguy hiểm như tắc mạch hơi, tắc mạch khí. Khi sử dụng ở tai, cần phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, vì sử dụng tùy tiện có thể gây bỏng da ở tai, hoại tử tai, chít hẹp ống tai. Thứ tư, chỉ được sử dụng ngoài, không được uống vì khi uống ôxy già giải phóng ra làm đầy bụng, ợ hơi và một số biến chứng nguy hiểm, do vậy cần để thuốc tránh xa tầm tay trẻ nhỏ, tránh uống nhầm thuốc. Khi súc miệng, phải súc thật nhanh. Còn để tẩy ống chân răng thì dùng bông tẩm dung dịch rồi tẩy từng vị trí.

Các chế phẩm chứa iod

Iod làm kết tủa protein và ôxy hóa enzym chủ yếu của vi khuẩn. Iod có tác dụng trên nhiều vi khuẩn, virut và nấm bệnh.

Cồn iod: Là hỗn hợp gồm iod, kali iodid và cồn. Nhược điểm của cồn iod là gây xót, kích ứng da và nhuộm màu da. Do vậy không dùng dung dịch cồn iod nồng độ trên 5% để sát trùng. Hạn chế sử dụng trên vùng da mặt, da nhạy cảm và chỉ sử dụng cho vết thương ngoài da, không dùng cho vết thương sâu, hở miệng.

Povidon iod: Povidon iod là phức giữa iod và polyvinyl pyrolidon, chứa 9 – 12% iod, dễ tan trong nước và cồn. Do tạo phức nên dung dịch povidon – iod sẽ giải phóng iod từ từ, kéo dài tác dụng diệt khuẩn, nấm, virut, động vật đơn bào, kén và bào tử. Mặt khác, tác dụng của thuốc kém hơn các chế phẩm chứa iod tự do, nhưng ít độc hơn, vì lượng iod tự do thấp hơn, dưới 1 phần triệu trong dung dịch 10%.

Để sát khuẩn ngoài da và sát trùng vết thương, hiện nay hay dùng povidon – iod 10%. Còn dung dịch 1% dùng để súc miệng. Ngoài ra còn có một số dạng bào chế khác như gel bôi âm đạo, dung dịch vệ sinh âm đạo, bình khí dung chứa bột phun xịt…

Sử dụng povidon iod ít độc hơn các chế phẩm chứa iod tự do nhưng thuốc vẫn có thể gây kích ứng da và niêm mạc, sử dụng nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng có thể gây những tác dụng phụ toàn thân. Do vậy cũng cần lưu ý khi sử dụng những chế phẩm này.

Việc sử dụng thuốc sát khuẩn để sơ cứu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng hướng dẫn, trong một số trường hợp nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

 

  DS.Ngô Thị Thu Trang


Ý kiến của bạn