Hà Nội

Cá trắm ngon, bổ phòng trị nhiều bệnh

07-01-2009 06:10 | Y học cổ truyền
google news

Cá sông có 4 loài được xem là lớn nhất: chép, mè, trắm trắng, trắm đen. Cá trắm phòng chữa được bệnh 4 mùa. Vào mùa thu đông thì cá trắm thường ngon hơn.

 Cá trắm.
Cá sông có 4 loài được xem là lớn nhất: chép, mè, trắm trắng, trắm đen. Cá trắm phòng chữa được bệnh 4 mùa. Vào mùa thu đông thì cá trắm thường ngon hơn.

Cá trắm đen: cá trắm màu xanh đen là thượng phẩm trong các loại cá nước ngọt. Vị ngọt tính bình. Công năng bổ thận khí, mạnh tỳ dưỡng vị, bình can sáng mắt, hóa thấp, khứ phong, lợi thủy. Thích hợp với người tỳ vị hư nhược, mất sức, phù nề, viêm gan, thận, tê thấp.

Theo phân tích cứ 100g thịt cá trắm đen có 19,5g đạm, với nhiều axit amin quý; 5,2g chất béo, các khoáng canxi, photpho, sắt, các loại vitamin, chứa nhiều chất chống lão hóa.

Một số món ăn chữa bệnh:

Nâng sức đề kháng - phòng cúm: Cá trắm đen (con khoảng 1kg) bỏ vảy, ruột, rửa sạch, khứa rãnh 2 bên thân cá, để lên đĩa hấp gần chín cho gừng tươi, hành, rượu, ít mì chính chưng tiếp cho chín.

Thanh nhiệt giải độc: Cá trắm 1 con 1kg, giá đậu nành 500g, mầm tỏi 10g thái đoạn. Gia vị vừa đủ ướp thịt cá rán vàng nấu cùng giá, tỏi thành canh để ăn.

Thanh nhiệt, trừ thấp: Cá trắm thái miếng 100g, mướp 300g, rán cá chín giòn. Mướp gọt vỏ thái khúc dài 3cm, lại thái sợi cho vào nồi nước sôi nấu một lúc vớt ra để ráo nước. Nước dùng nấu sôi cho hành, gừng, rượu và cá vào nấu, vớt bỏ bọt nấu sôi 5 phút cho mướp vào, nêm gia vị.

Suy nhược, mất sức, chóng mặt: Cá trắm đen 500g, 3 lát gừng với lượng gạo vừa đủ nấu cháo ăn.

Tỳ vị hư nhược, hay đau bụng lâm râm, biếng ăn: cá trắm đen 1 con khoảng 500g, đảng sâm 9g, thảo quả 1g, trần bì, quế bì mỗi vị 1g, gừng khô 3g, hồ tiêu 5 hạt, hành, muối. Nấu chín, ăn thịt cá, uống canh, bỏ bã thuốc.

Bồi dưỡng phụ nữ sau sinh phòng chống ứ huyết: Thịt cá trắm 250g thái miếng, mộc nhĩ lưng trắng 10g, ớt xanh 10g, ớt đỏ 5g. Thịt cá ướp muối, bột lọc nước bóp đều. Xào cá với mộc nhĩ, ớt.

Đau dạ dày mạn tính: Ninh cá trắm đen thành canh để ăn suông hoặc với cơm.

Phù nề, chi dưới phù không có lực: Thịt cá trắm đen 120g. Lá hẹ lượng vừa đủ nấu canh, ăn cái, uống nước.

Nữ bị bệnh lâu ngày, cơ thể yếu, kinh nguyệt không đều: Thịt cá trắm đen 150g, lấy dao dần nát. Thêm ít thịt gà, bột tiêu, rượu, muối, hành, gừng. Lấy đũa khuấy một chiều cho đều, vắt nước, cho cá vào giã nhuyễn làm thành nhân vằn thắn. Xương đùi lợn rửa sạch, đập nát, ninh lấy nước rồi cho 6g đông trùng hạ thảo vào túi ninh, khi chín nhừ cho vằn thắn vào nấu lại cho chín để ăn.

Quai bị: Dùng mật cá trắm treo chỗ thoáng cho khô, trộn bột chàm (thanh đại) lượng bằng nhau nghiền nhỏ hòa dầu vừng bôi lên chỗ sưng.

Nhọt độc: Mật cá trắm đen tươi xát vào chỗ sưng đau.

Cá trắm trắng: còn gọi trắm cỏ. Theo Đông y, trắm trắng vị ngọt tính ôn, công năng bổ tỳ ấm vị, bổ khí huyết. Thích hợp với các chứng tỳ vị hư hàn, biếng ăn, gầy yếu, mệt mỏi, đuối sức, khí hư nhược.

Trị hư lao, phong hư đau đầu sốt rét kinh niên: Đầu cá chưng ăn để phòng chữa bệnh rất tốt.

Theo phân tích hóa học, cho thấy: Cứ 100g thịt cá trắm trắng có 17,99g đạm, 4,3g chất béo, các khoáng: canxi, photpho, sắt, các vitamin nhóm B (B1, B2, PP). Do đó cá trắm trắng rất tốt đối với gân xương người già, trẻ em suy nhược và có ưu điểm không gây các phản ứng xấu (ngứa, nổi mẩn).

Một số món ăn phòng chữa bệnh của cá trắm trắng:

Khí huyết bất túc - suy nhược sau ốm dậy: Cá trắm 250g, hoàng kỳ 25g, đương quy 12g. Nấu canh ăn cá uống canh bỏ bã thuốc.

Tỳ vị hư hàn: Bụng lạnh đau, không muốn ăn: trắm trắng 250g, sa nhân 6g, sinh khương 6g. Ninh kỹ, ăn cá uống canh, bỏ bã.

Có tuổi mắt kém, phụ nữ sau sinh, mãn kinh, xuất huyết: Thường xuyên ăn cá trắm nấu nhiều món thay đổi.

Mỏi mắt: Thịt cá trắm cắt miếng một ít bột tiêu chưng chín ăn.

Suy nhược cơ thể: Cá trắm trắng 1 con, làm sạch, ướp đường, giấm nấu canh ăn. Đây là món ăn theo kinh nghiệm dân gian từ đời Tống, Trung Quốc có tên món "cá giấm Tây Hồ", nay rất phổ biến với cách chế biến hiện đại ở các nhà hàng. Cá trắm 700g, gừng bột 1,5g, rau mùi vừa đủ, gia vị, xì dầu, rượu gạo, đường trắng, giấm, bột lọc, nước, mỗi thứ một ít. Làm sạch cá trắm cắt thành 2 miếng trống và mái. Miếng có cả xương là miếng trống, còn miếng kia là mái. Từ hàm xuống cứ cách 4-5cm khía thành rãnh hoa. Từ phía sau vây ngực của miếng trống cắt đứt.

Cho nước vào nồi nấu sôi, lần lượt cho miếng cá vào đậy vung nấu sôi, bỏ bọt, nấu chín tái để lại 250g nước canh (phần dư để riêng). Cho xì dầu, rượu gạo, gừng miếng, nấu sôi vớt cá ra đĩa. Nước canh trong nồi cho đường vào nấu sôi, dùng bột lọc nước làm sệt, cho giấm vào đảo đều, rót lên cá, rắc rau mùi và bột tiêu lên trên.

Cảm gió lạnh nhức đầu: Cá trắm một con vừa ăn, nấu gần chín cho hành, mùi tươi, sôi lại lấy ăn nóng cho ra mồ hôi. Có thể ăn với cơm, hoặc nấu cháo cá ăn.

Người bị cảm gió lạnh: Đau đầu, ngạt mũi, đau mình mẩy: thịt cá trắm 150g, gừng tươi 25g, rượu gạo 100g, nước 1/2 bát. Nấu sôi rồi cho cá, gừng, rượu. Hầm 30 phút cho gia vị muối. Ăn nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Cảm nắng nóng, viêm phế quản do nắng nóng, khô họng, ho nhiều đờm vàng đặc, tiểu vàng đỏ sẻn: Cá trắm trắng 120g, mướp 500g, gừng tươi 3 lát. Cá thái miếng xào cho chín, nêm gia vị rồi cho cá vào đảo vừa chín tới. Ăn suông hoặc với cơm.

Tăng huyết áp, nhức đầu, chóng mặt: Thịt cá trắm 150g, thái miếng, bột sắn dây 30g. Nước vừa đủ nấu thành cháo đặc. Nêm gia vị. Ăn liền một tuần.

Cá trắm trắng 200-250g (lấy phần đuôi), bí đao 200-250g. Chiên cá rồi cho nước bí đao hầm nhừ. Nêm gia vị. Ăn vài ngày liền.

Lưu ý: mật cá trắm trắng và đen đều có tính độc. Khi làm cá chú ý bỏ mật ra không dùng. Một số địa phương dùng mật cá trắm để chữa một số bệnh, do không biết cách dùng nên có nhiều trường hợp bị ngộ độc, thậm chí có trường hợp tử vong.

BS. Phó Đức Thuần


Ý kiến của bạn