Đột quỵ không “chừa” người trẻ tuổi, khỏe mạnh
Nhiều trường hợp người trẻ tuổi đang khỏe mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào mà không hề có dấu hiệu báo trước. Con số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi đang gia tăng ở các bệnh viện. Phần lớn những lần đột quỵ đều do tình trạng huyết khối gây tắc mạch mà mọi người nghĩ rằng không thể chữa trị được. Tuy nhiên, trên thực tế đột quỵ có thể chữa được nếu người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện trong vòng 4 giờ 30 phút sau khi có những triệu chứng đột quỵ, bác sĩ có thể cứu chữa giúp giảm tối đa thương tổn mà bệnh nhân đó có thể gánh chịu.
Xuất phát từ mốc thời gian “vàng” này nên "Đội đặc nhiệm" cấp cứu đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng được thành lập gồm 16 bác sĩ chuyên khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… có nhiệm vụ phát hiện, điều trị nhanh nhất có thể các trường hợp đột quỵ nhồi máu não cấp vào viện và bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Bạn đồng hành của họ là Stroke bag (túi cấp cứu đột quỵ). Túi này luôn phát huy tác dụng với đầy đủ thiết bị, dụng cụ, thuốc men tiêu huyết khối đột quỵ ngay tại khoa cấp cứu, phòng chụp CT hay tại các khoa phòng trong bệnh viện. Nhờ đó đã rút ngắn được thời gian cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Ts.Bs. Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Trong đột quỵ có 2 dạng: xuất huyết não và nhồi máu não. Tỷ lệ nhồi máu não chiếm 80-85%, còn xuất huyết não chỉ chiếm 15-20%. Đa phần người dân khi bị đột quỵ ở nhà thì họ thực hiện các bước sơ cấp cứu như cạo gió, thoa dầu, bóp tay chân, chích máu ngón tay, hơ lửa hay sốc bệnh nhân… rồi mới chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, nên phần lớn các trường hợp chuyển đến bệnh viện thì bệnh nhân đang ở mấp mé cửa sổ điều trị. Nguyên tắc điều trị là dùng thuốc để đánh tan cục máu đông, nhưng để đánh tan cục máu đông hiệu quả thì phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt với mốc giới hạn là trong vòng 4 giờ 30 phút vàng thì mới điều trị được, sau thời gian trên thì mặc dù đã đánh tan cục máu đông nhưng tế bào não đã chết nên không thể phục hồi được”.
4 giờ 30 phút “vàng” cấp cứu đột quỵ
Người bị đột quỵ có 4 giờ 30 phút “vàng” để được cấp cứu và điều trị đúng cách nhằm giảm thiểu nguy cơ liệt nửa người, ngồi xe lăn vĩnh viễn hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Đội đặc nhiệm cấp cứu đột quỵ sẽ tận dụng từng giây, từng phút khi bệnh nhân bị đột quỵ đến bệnh viện để cấp cứu, tới tận nơi bệnh nhân để thực hiện các bước khám, xét nghiệm, sau đó đội sẽ dùng thuốc tiêu sợi huyết điều trị cho bệnh nhân càng sớm càng tốt để bệnh nhân có cơ hội phục hồi.
Theo Ths.Bs. Phạm Như Thông, khoa Hồi sức tích cực - chống độc thì hoạt động cấp cứu đột quỵ đã được thực hiện từ khi bệnh viện triển khai thuốc tiêu sợi huyết năm 2013. Nhưng đến tháng 5/2017 đội mới chính thức được thành lập. Từ khi đi vào điều trị thì thời gian cấp cứu cho bệnh nhân được rút ngắn, cải thiện rất nhiều. Trước đây thời gian tiếp cận điều trị cho bệnh nhân phải trên một tiếng đồng hồ. Sau khi thành lập Đội đặc nhiệm thì thời gian tiếp cận điều trị rút ngắn còn khoảng 40 phút, có nhiều trường hợp tiếp cận nhanh thì thời gian còn rút ngắn hơn.
Bệnh nhân N.T.M.L., 33 tuổi ở quận Cẩm Lệ khởi bệnh với tình trạng yếu nửa người phải, rối loạn cảm giác nửa người. Nhận được tin báo, đội đặc nhiệm đã đến cấp cứu và dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị cho bệnh nhân, nhờ được tiếp cận điều trị sớm nên sức khỏe bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, đi lại bình thường sau 24 giờ.
Còn bệnh nhân Đ.V.K. 61 tuổi ở Sơn Trà đột ngột thấy đau đầu, chóng mặt, nói khó, vào viện tuyến trước có dùng thuốc tiêu sợi huyết nhưng sức khỏe không cải thiện. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng bị tắc mạch máu lớn (động mạch thân nền), nếu không tái thông mạch máu thì tỷ lệ tử vong trên 90%. Bệnh nhân nhanh chóng được triển khai can thiệp lấy huyết khối, hiện nay bệnh nhân đã dần dần hồi phục tình trạng yếu liệt.
Làm việc nhóm qua mạng xã hội
Ngoài thực hiện nhiệm vụ tiếp cận sớm để điều trị cho bệnh nhân, Đội đặc nhiệm còn hoạt động 24/24 với những nhóm làm việc trực tuyến qua mạng xã hội. Khi phòng cấp cứu báo có trường hợp đột quỵ nhồi máu não chuẩn bị đưa vào thì bác sĩ của Đội đặc nhiệm cấp cứu đột quỵ sẽ mang túi Stroke bag để đón bệnh nhân và thực hiện ngay các bước cấp cứu kịp thời. Sau đó, đội trưởng êkip trực đưa thông tin về triệu chứng, kèm theo hình ảnh chụp cắt lớp mạch máu não chi tiết của bệnh nhân lên nhóm trên Zalo, nhờ đó bất cứ ở đâu và khi nào thì các thành viên trong đội cũng có thể hội chẩn để bàn luận, trao đổi cùng nhau. Ngoài ra, trong đội đặc nhiệm các bác sĩ cũng có liên kết qua mạng xã hội với các bác sĩ đầu ngành về đột quỵ trong nước để được tư vấn nhanh nhằm tìm ra phương pháp hỗ trợ tốt nhất có thể cho bệnh nhân. Nhờ tiếp cận điều trị bệnh nhân sớm nên nhiều bệnh nhân bị đột quỵ có thể trở về cuộc sống bình thường. Sự nhanh nhạy này đã giúp cấp cứu tiêu sợi huyết bằng thuốc trên 200 trường hợp và lấy huyết khối bằng dụng cụ 23 ca, hiệu quả tái thông mạch máu hơn 80% trong năm 2016 và năm 2017 tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Lưu ý trong cấp cứu đột quỵ
Theo Bs. Phạm Như Thông thì đối với bệnh nhân đột quỵ não, nếu được tái thông mạch máu não đúng quy trình trong khoảng “thời gian vàng” thì sẽ tăng khả năng cấp cứu và hồi phục cho bệnh nhân. Giờ vàng của bệnh nhân đột quỵ có 2 mốc thời gian: mốc thứ nhất là 4 giờ 30 phút tính từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ nhồi máu não thì bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc Alteplase để tái thông mạch máu trong trường hợp bị tắc mạch máu nhỏ ở não. Mốc thứ 2 là 6 giờ tính từ thời điểm khởi phát để có thể làm can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ (Solitaire) đối với nhồi máu não do tắc động mạch lớn.
Bs. Thông khuyến cáo: Việc điều trị thành công cho bệnh nhân đột quỵ, tai biến phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nhận biết dấu hiệu đột quỵ ban đầu. Cách tiếp cận xử trí nhanh đột quỵ được viết tắt là F.A.S.T đã được khuyến cáo áp dụng rộng rãi với: F-Face: méo miệng; A-Arm: yếu liệt tay chân; S-Speech: lời nói bất thường; T-Time: hành động nhanh (tiết kiệm thời gian). Khi thấy bệnh nhân có những dấu hiệu trên thì gia đình nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay, tại bệnh viện Đà Nẵng, quy trình điều trị đột quỵ cấp luôn được cập nhật và chuẩn hóa theo quy trình của các bệnh viện đầu ngành và quốc tế; do đó nếu có bệnh nhân đột quỵ thì bệnh viện tuyến dưới nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng để được điều trị kịp thời, tránh làm mất thời gian “vàng” của bệnh nhân.
|
| ||