Quá nhiều học sinh giỏi
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, cuối mỗi năm ở cấp tiểu học có hai điểm đánh giá về năng lực của hai môn Toán và Tiếng Việt (thang điểm 10). Tổng điểm tối đa mỗi năm là 20. Như vậy, sau 5 năm tiểu học, các em có thể đạt tối đa 100 điểm.
"Tôi đề nghị ban tuyển sinh hãy tính điểm của 4000 học bạ vừa nộp. Con số thu được nằm ngoài dự kiến. Có tới 100 em đạt điểm tối đa là 100 điểm, chiếm 25% số học bạ đang xét", ông Cương chia sẻ.
Theo ông Cương, chưa nói đến chuyện chất lượng có đều không, mà chỉ cần nói đến số lượng học sinh giỏi nhiều đến mức đấy đã là không bình thường.
“Ngoài việc cả nghìn hồ sơ đạt 100 điểm, thì số lượng hồ sơ đạt 99 điểm cũng rất nhiều. Số hồ sơ có 2 điểm 9 còn nhiều nữa. Tôi thấy rằng hiện tượng này hết sức bất thường. Cách đây chưa quá lâu, học sinh của chúng ta, kể cả học sinh tiểu học, rất ít được điểm 10 môn Văn, mà 6, 7 điểm là bình thường. Phải thuộc dạng “siêu” mới được 8, 9 điểm. Môn Toán cũng vậy, không phải lúc nào cũng 10”.
Tình trạng điểm 10 nhiều như vậy, theo ông Cương, là do chưa xóa được bệnh thành tích, mà nguyên nhân không chỉ vì học sinh nữa.
“Lớp tôi chủ nhiệm không thể ít học sinh giỏi hơn lớp người ta” – nguyên nhân còn vì quyền lợi của giáo viên.
“Chúng ta cứ bảo chống bệnh thành tích, mà tôi thấy căn bệnh này lại có xu hướng tăng lên. Những năm trước, không có chuyện học bạ của học sinh nộp vào trường tôi lại nhiểu điểm tuyệt đối như năm nay. Đặc biệt, khi tổ chức thi tuyển, tôi có để ý không ít những em có học bạ thuộc diện tốt nhất nhưng kết quả thi vào trường lại không cao”.
“Khi cho ra một sản phẩm mà đánh giá không đúng chất lượng là cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, khi đánh giá như vậy, người ta còn không có động lực nào để làm việc tốt hơn” – ông Cương nhận định.
Người lớn đang làm hại trẻ em
Ông Cương cũng cho rằng chất lượng dạy học ở các trường tiểu học là không đồng đều. Các bài thi, kiểm tra ở mỗi trường tiểu học là khác nhau, 10 điểm ở trường này nhưng có khi chỉ bằng 7, 8 điểm ở trường khác. Khi căn cứ vào kết quả học tập, vào kết quả thi cuối kỳ để xét tốt nghiệp tiểu học thì không quan trọng. Nhưng khi dùng kết quả đó để xét lên bậc học khác thì việc so sánh kết quả học của trường này với trường kia khó đảm bảo công bằng.
Hơn nữa, hậu quả của việc cấm thi vào lớp 6 còn dẫn đến tình trạng đẩy học bạ của học sinh lên để các em chắc chắn được tuyển, nên mới có chuyện học bạ 100 điểm tăng đột biến. Không kể, đã có phụ huynh còn phản ánh về hiện tượng làm lại học bạ.
“Tôi không tiếc những học sinh bị loại, mà chỉ lo các em bị loại một cách không công bằng. Chưa chắc những em được 10 điểm 10 đã xứng đáng, mà những em 99, 98 điểm còn xứng đáng hơn”. Ông Cương còn nhấn mạnh tới việc người lớn đang làm hại con trẻ qua việc đánh giá. “Tuyển sinh không chính xác sẽ ảnh hưởng tới việc dạy và học sau này. Được tuyển vào nhưng không phù hợp sức học còn gây hại cho các em. Học hành vừa sức các em mới thấy hứng thú. Chứ vào lớp là ngồi co ro không dám giơ tay, cô nhìn đến thì rụt đầu không nói, làm sao mà hạnh phúc được?”.
Lãnh đạo trường THCS Lương Thế Vinh đã nghĩ tới chỉ số phụ là điểm Tiếng Anh của lớp 5, “nhưng hóa ra điểm 10 cũng nhiều lắm”.
“Sở đã bác tất cả các đề xuất tuyển sinh của chúng tôi như làm bài kiểm tra, điểm IQ, phỏng vấn… Phụ huynh góp ý nhiều cách lắm. Nào là bốc thăm, tổ chức đấu trường 100, cân đo đong đếm…”.
Tuy nhiên, ông Cương cho rằng hình thức bốc thăm không thích hợp trong môi trường giáo dục. “Khuyến khích sử dụng hình thức này là không nên, khi mình có đầy đủ cách để làm nhưng chỉ vì cấp trên sợ phạm vào từ “thi” mà không cho áp dụng”.
Theo ông Cương, trong vài ngày tới, trường sẽ đưa ra phương án tuyển sinh và thông báo kết quả.
“Hiện nay, tôi chỉ chắc chắn một điều rằng, tất cả những học sinh được 99 điểm trở xuống đã không còn cơ hội trở thành học sinh trường Lương Thế Vinh”.
Ngân Anh