Video Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời đại biểu tại phiên chất vấn
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn Quốc hội về các nội dung như thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Vào lúc 10h 10 phút, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố bắt đầu phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Mời bộ trưởng báo cáo Quốc hội:
Có 58 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đại biểu Quốc hội Hưng Yên chất vấn: Tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế có xu hướng gia tăng, cơ sở y tế tiếp thị khám chữa bệnh, xuất hiện tình trạng nhiều người có bảo hiểm đi khám để lấy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh tăng các loại xét nghiệm cận lâm sàng làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh, gây quá tải và bội chi Quỹ BHYT, Bộ trưởng có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng này?. Thứ 2, một số bệnh nan y như ung thư, tim mạch....cần được đi khám ở tuyến trung ương chứ không cần đi khám qua các tuyến xã huyện tỉnh như hiện nay vì những bệnh đó ở tuyến trên mới chữa được, thêm nữa vì thủ tục rườm rà. Tình trạng lạm dụng kỹ thuật, không thừa nhận kết quả khám chữa bệnh giữa các cơ sở gây lãng phí nguồn lực, đề nghị Bộ trưởng trả lời vấn đề này. Vấn đề thứ 3, ở tuyến xã huyện, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, không tạo được sự tin tưởng cho người dân, trình độ y bác sĩ thấp, vắng bóng người dân đến khám chữa bệnh, đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở này.
Đại biểu Nguyễn Chiến, Hà Nội: Hiện nay, tình trạng chữa bệnh, người bệnh bệnh không được tiếp cận dịch vụ phần quá tải, phần do thái độ phục vụ. Người bệnh thường phản ảnh, y tá hay điều dưỡng viên có nhiều lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng nếu không muốn nói là xúc phạm người bệnh. Nhìn ra các nước trong khu vực, văn hóa ứng xử của bác sĩ rất tôn trọng, phục vụ tận tâm, khi khám chữa xong còn cảm ơn, cúi rập người vì đã đến với họ. Ở nước ta, với tình trạng cử tri phản ảnh ở trên, tôi xin hỏi Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào nâng cao đạo đức lương y, cải thiện phong cách phục vụ trong ngành y tế để người bệnh hài lòng? Câu thứ 2: Báo cáo trong kỳ họp Quốc hội, đại diện Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều thiết bị y tế chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được, nhiều loại được đầu tư mới nhưng đắp chiếu, mới dùng đã hỏng, cùng 1 loại vật tư hóa chất, cùng một nhà cung cấp nhưng lại được Bộ Y tế phê duyệt giá giữa các bệnh viện khác nhau, có sự chênh lệch lớn giữa giá được phê duyệt, có loại chênh nhau gần 7 lần. Bộ Y tế xác định, một trong những yếu tố nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh là trang thiết bị máy móc, nguồn thuốc và năng lực trình độ của y bác sĩ. Vậy Bộ có biện pháp nào quản lý nhập khẩu nâng cao chất lượng máy móc, trang thiết bị, cũng như bảo đảm nguồn thuốc chất lượng, ngăn chặn thuốc không đảm bảo?
ĐB Trịnh Ngọc Phương, Tây Ninh: Vẫn còn ý kiến cho rằng, giá thuốc Việt Nam cao hơn mặt bằng giá thuốc các nước trong khu vực, ngay cả các địa phương cũng có sự chênh lệch. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này. Bộ Y tế đang thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ bao gồm cả tiền lương của cán bộ y tế. Tuy nhiên giá tăng thì người bệnh sẽ phải mất thêm chi phí trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Bộ đã có giải pháp gì để hạn chế ảnh hưởng này, nhất là với các đối tượng là người còn khó khăn?
ĐB Dương Tấn Quân, Bà Rịa Vũng Tàu: Công tác quản lý, điều hành còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tôi xin hỏi, Bộ Y tế ban hành điều chỉnh chính sách giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và thực hiện giao quyền tự chủ cho bệnh viện công lập. Nhiều cử tri lo lắng khi giá dịch vụ tăng chất lượng có tăng không, hay gây ra tình trạng bội chi quỹ BHYT? Việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện công có làm tăng năng lực hiệu quả quản lý hay không, hay lại tạo ra sự kém minh mạch, nhất là các dịch vụ liên doanh liên kết xã hội hóa ở các bệnh viện. Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục và nâng cao hiệu quả thực hiện những vấn đề nêu trên?
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy, Bến Tre: Trung tâm y tế 2 chức năng đã được tái thành lập ở tuyến huyện, đây là một trong những giải pháp phù hợp giúp nâng cao nguồn lực khám chữa bệnh cho người dân. Theo Bộ trưởng vai trò trạm y tế xã và y tế dự phòng phát huy thế nào trong cơ chế sáp nhập này? Phong trào đổi mới hướng tới sự hài lòng, kết hợp với vấn đề tăng viện phí. Bộ trưởng có những biện pháp nâng cao thái độ và phong cách phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân?
ĐB Phạm Tất Thắng, Vĩnh Long: Tôi xin hỏi về vấn đề nhân lực của ngành y tế. Đội ngũ nhân lực y tế cơ sở thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng khi số lượng bác sĩ chiếm 41% trong khi dược sĩ chiếm 18% so với cả nước, ở một khu vực chiếm tới 72, 6 % dân số cả nước. Dẫn đến hệ quả là trạm y tế xã chỉ thực hiện được một nửa 52,2% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật, đây là nguyên nhân dẫn tới vươt tuyến. Đây không phải là vấn đề mới. Xin Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm của ngành y tế đến đâu và giải pháp khắc phục? Vấn đề thứ 2 là y đức, trong các sự cố y tế xảy ra thì trong các nguyên nhân đều có nguyên nhân về y đức. Trong báo cáo của Bộ Y tế chỉ ra một nguyên nhân mà bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngoại trú phải mua thuốc giá cao hơn do bác sĩ kê thuốc ngoài danh mục trúng thầu cũng là vấn đề y đức. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả cải thiện tình trạng này và những giải pháp cụ thể trong thời gian tới..
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi xin trả lời tất cả các câu hỏi của đại biểu nhưng chia theo nhóm vấn đề bởi những nội dung và giải pháp cũng tương đối giống nhau.
Thứ nhất về vấn đề khám chữa bệnh. Với câu hỏi của ĐB Chiến, ĐB Thủy, ở đây, người dân luôn muốn tiếp cận dịch vụ chất lượng cao và muốn lên thẳng tuyến trung ương theo tôi đây là nguyện vọng chính đáng. Hiện nay theo Luật BHYT, thông tuyến tuyến xã và tuyến huyện, người dân có thể không khám ở nơi đăng ký khám ban đầu ở tuyến xã mà đến tất cả các tuyến tỉnh. Theo lộ trình đến năm 2021 sẽ thông tuyến toàn quốc. Chúng ta đã có một hệ thống y tế mà tuyến xã, tuyến huyện luôn làm công tác "người giữ cổng" để chăm sóc sức khỏe ban đầu, với những bệnh thông thường, là cơ sở y tế gần nhất, nên người dân có thể đi đến những tuyến ban đầu này. Tuy nhiên với những bệnh nặng và mạn tính, ung thư, tim mạch, phổi... Bộ Y tế đã các chương trình mục tiêu về y tế phòng chống các bệnh không lây nhiễm, có hệ thống theo dõi, giám sát được điều trị theo phác đồ điều trị. Khi đi thăm các bệnh viện, nhiều bệnh nhân cho biết, họ phải đi lên tuyến tỉnh để lấy thuốc hàng tháng, nhưng các bệnh nhân này được nhận thuốc này điều trị ngay tại tuyến huyện, xã mà không phải đi xa, bởi các bệnh mạn tính này thường điều trị theo phác đồ và phải dùng thuốc thường xuyên, chúng tôi đang xây dựng chương trình này và thực hiện thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh, tức là bệnh nhân có thể đến nhận thuốc đó mà không cần lên tuyến cao. Giai đoạn đầu khi chẩn đoán phát hiện, cần các kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất.
Về vấn đề thái độ đạo đức của cán bộ y tế, Bộ trưởng cho biết, vẫn có thực trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Ở đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt. Tuy nhiên thời gian qua, ngành y tế đã đưa ra chương trình đổi tới tác phong thái độ với sự đổi mới toàn diện thái độ phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh bằng nhiều giải pháp tổng thể từ tuyên truyền vận động gắn với Học tập làm theo đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn ngành gắn với công đoàn. Bên cạnh đó chúng tôi có những giải pháp như sử dụng đường dây nóng, ban hành các thông tư, hòm thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn, thông tư xử phạt nghiêm. Trong thời gian qua, hơn 7000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật từ các hình thức cảnh cáo, khiển trách, buộc ra khỏi ngành, cảnh cáo toàn bệnh viện. Kèm theo đó là đổi với cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập cho cán bộ y tế thông qua lộ trình tăng giá dịch vụ, ... Thu nhập của những đơn vị sự nghiệp đã được tính giá đã tăng lên, những giải pháp vừa rồi đã tạo nên sự đổi mới toàn diện. Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế, thái độ phục vụ đã thay đổi nhất là ở tuyến tỉnh, tuyến xã.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
Về lĩnh vực y tế cơ sở, các ĐB đã đưa ra những câu hỏi rất sát sườn. ĐB Nguyễn Lệ Thủy hỏi về các trung tâm y tế 2 chức năng, vai trò của trạm y tế và y tế dự phòng như thế nào. Về nghị quyết về tinh giảm biên chế, ngành y tế đã Thực hiện TT 51, TT37, TT33 và nghị định 117 cho trạm y tế xã, nếu thực hiện thông tư này giảm 700 đầu mối y tế tuyến huyện, tăng hiệu quả quản lý. Thứ nhất tuyến huyện là đơn vị chỉ đạo chuyên môn sẽ gộp 2 chức năng là bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng và chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã. Có nhiều lợi ích, thứ nhất là giảm đầu mối, giảm biên chế ở những phòng hành chính, kế toán để đầu tư vào chuyên môn, cơ sở vật chất có thể tận dụng tốt, điều hành thống nhất vừa dự phòng vừa trực tiếp điều trị, tiếp theo là tăng nguồn nhân lực, lúc nào trạm y tế xã cũng có bác sĩ tuyến trên xuống như các nước khác. Mặt khác ngành y tế chỉ đạo từ Sở y tế xuống trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã sẽ thông suốt. Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế trong tình hình mới, đây là đề án chúng tôi tâm huyết và chuẩn bị công phu để chuẩn bị thực hiện. Với nhân lực trạm y tế đúng là yếu về chất lượng và số lượng, chúng tôi sẽ xây dựng đề án hướng tới hội nhập quốc tế giải quyết các bất cập hiện nay. Phân bổ không phù hợp, có huyện mỗi ngày chỉ có vài người khám, có huyện rất nhiều trạm y tế gần nhau. Có huyện hoạt động không phù hợp, cân đối giữa dự phòng và điều trị, nguyên lý y học gia đình . Dân số sống ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn là 70%, bác sĩ xã chỉ chiếm 30%, tổng chi phí BHYT chiếm 3-5%, danh mục chi tiêu cho trạm y tế xã rất thấp hiện nay, điều này bất cập. Đầu tư 1 đồng y tế dự phòng cơ sở bằng 10 đồng. Sắp tới đổi mới toàn diện về y tế cơ sở.
Về vấn đề quản lý dược, TBYT
Câu hỏi về quản lý dược, về bệnh nhân đến khám ngoại trú phải mua giá cao hơn ở bệnh viện rất đúng. Chúng tôi đã ban hành TT15, giá bán bệnh viện không được quá 10-15%. Tuy nhiên các bệnh viện không mua theo giá trúng thầu. Chúng tôi sẽ ban hành thông tư 11.
Câu hỏi về ĐB Phương giá thuốc Việt Nam cao hơn thế giới thế nào. Thị trường thuốc VIệt Nam ổn định, trong CPI thuốc đứng thứ 10 tức là không tăng cao. Việt Nam cao hơn thế giới cần có đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế.
Máy móc chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng do công suất sử dụng quá cao. Có những máy cần phải bảo hành bảo trì từ nước ngoài. Việt nam là công suất sử dụng máy lớn. chênh lệnh giá cao. Một hãng cao gấp 6- 7 lần, các cơ sở y tế không đồng nhất với kết luận của kiểm toán nhà nước, ví dụ kim cánh bướm tại Bv Việt Đức là 6500-7500đ, BV Chợ Rẫy cũng kim cánh bướm nhưng có khóa có van, giá gấp 10 lần, tên giống nhau nhưng khác nhau về giá.
Về vấn đề quản lý trang thiết bị: Bộ Y tế đã trình UBTVQH ra nghị định 36 về quản lý Trang thiết bị có hội đồng khoa học, thẩm định, giám đốc BV quyết định. BYT đã phân cấp phân quyền, nhưng trong thời gian tới có thể trình thành luật
Về BHYT: Giá tăng chất lượng có tăng không. Lộ trình theo nghị định 16 hoàn thành 2016. Đến nay hết năm 2017 có khi không thực hiện được vì CPI, người dân đỡ mất tiền túi, giá tăng chất lượng phải tăng. Có những đơn vị trước giờ khám bệnh cúi chào bệnh nhân. Giảm chi ngân sách vì đưa lương vào giá, tương ứng ít nhất 10.000 tỷ. TP HCM tiết kiệm được 1000 tỷ không phải chi vào lương cho cán bộ y tế.
Trục lợi và lạm dụng quỹ BHYT là có , lạm dụng từ người dân và cả cơ quan y tế. Quyền lợi bảo hiểm, đóng bảo hiểm chưa đến 30 USD, thông tuyến, nên người dân đi khám rất nhiều. Do cơ chế tự chủ, quyền lợi của người dân Sắp tới sẽ đổi mới hoàn toàn mô hình tự chủ. Xét nghiệm, chúng tôi đã ban hành thông tư, từ tháng 6 các bệnh viện tuyến TW và tuyến tỉnh sẽ công nhận xét nghiệm.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang
10h43: Các đại biểu tiếp tục chất vấn:
Đại biểu Dương Minh Ánh, Hà Nội: chất vấn về tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của bác sĩ và lạm dụng kháng sinh khiến bệnh nhân kháng thuốc; tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan khó phân biệt đâu là sản phẩm tốt?...
ĐB Phạm Minh Tuân, Thái Bình: chất vấn về cơ chế tự chủ cho BV công lập, lạm dụng kỹ thuật cao trong xét nghiệm, chẩn đoán…; Thứ 2 là tình trạng bán thuốc không kê đơn khiến tình trạng kháng thuốc gia tăng…
ĐB Nguyễn Văn Sơn, Hà Tĩnh: chất vấn về tình trạng thông tuyến BHYT, tiêu chí xếp hạng BV; Thứ 2 là chăm lo y tế cơ sở, băn khoăn về nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ chính sách… để y tế cơ sở thực sự là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân…
ĐB Nguyễn Bá Sơn, Đà Nẵng: chất vấn xã hội hóa các BV góp phần nâng cao chất lượng KCB phát triển y tế chuyên sâu nhưng vẫn còn xảy ra bất cập… Có giải pháp nào xử lý. Về thuốc KCB …
ĐB Cao Thị Giang, Quảng Bình: chất vấn về vấn đề y tế cơ sở còn hạn chế, về Quỹ BHYT, lạm dụng KCB... Bộ Y tế có giải pháp gì phối hợp BHXH khắc phục tình trạng trên…
ĐB Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp: chất vấn về giá thuốc, TPCN, có giải pháp gì quản lý giá thuốc?...
ĐB Nguyễn Sĩ Cương, Ninh Thuận: chất vấn về tổ chức y tế cơ sở còn phân tán nguồn lực,… về nhân lực ATTP...
ĐB Hồ Thị Kim Ngân, Bắc Cạn: chất vấn về cơ chế chính sách ưu đãi với cán bộ y tế vùng sâu xa vùng khó khăn. Vấn đề lạm dụng xét nghiệm tại một số cơ sở KCB.
ĐB Nguyễn Hồng Vân, Phú Yên: chất vấn có tình trạng giữ bệnh nhân tuyến dưới hay không? Về cải tiến quy trình khám bệnh? Quản lý ở BV công có hiện tượng “chảy máu chất xám”, khắc phục thế nào?...
Đại biểu Nguyễn Phí Thường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn:
Câu hỏi của các ĐB rất xác đáng, chúng tôi cũng xin trả lời thành từng nhóm vấn đề.
Thứ nhất là về y tế cơ sở - được các ĐB quan tâm nhiều nhất: ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), ĐB Cao Đức Giang (Quảng Bình), ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận), ĐB Hồng Vân (Phú Yên). Y tế cơ sở là lĩnh vực mà ngành y tế đang tập trung trong nhiệm kỳ này. Y tế cơ sở trong thời gian qua đã có nhiều thành tựu được quốc tế công nhận, có mạng lưới rộng khắp đến thôn bản, có y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản đã đạt được những điểm sáng về Mục tiêu thiên niên kỷ, giảm tử vong mẹ, trẻ sơ sinh cũng như các chỉ tiêu về tuổi thọ, dinh dưỡng…
Nhiều chuyên gia quốc tế thăm ngẫu nhiên các trạm y tế vùng cao và họ nói cần học tập xây dựng mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam. Đây là những đánh giá khách quan của quốc tế
Thứ 2 là y tế cơ sở đã làm tốt công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu mặc dù nguồn lực rất hạn chế. Theo tôi hạn chế cơ bản của y tế cơ sở hiện nay là việc bố trí còn bất cập, không nhất thiết phải theo tiêu chí nông thôn mới là trạm y tế nào cũng đạt chuẩn mà phải chia ra các vùng khác nhau. Những trạm nào mà liền trung tâm y tế huyện, phường thì khác, ở nông thôn miền núi thì khác… Bộ Y tế khắc phục điều này đã ban QĐ 4667 không đầu tư dàn trải.
Một số bất cập về tài chính, y tế cơ sở là xương sống, đầu tư cho y tế dự phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu để con người khỏe mạnh, nếu bị bệnh thì phát hiện sớm và phát hiện sớm thì điều trị chất lượng cao hơn. Nhân lực y tế cơ sở vẫn còn yếu, mô hình y học gia đình chăm sóc ban đầu toàn diện gần nhất và hiệu quả nhất hiện nay chỉ mới được triển khai thí điểm…. Cơ chế tài chính thanh toán vẫn còn bao cấp, theo biên chế, theo đầu dân mà chưa bám vào hoạt động. Đầu tư hiện nay có các nguồn trái phiếu, ODA cho các BV và các cơ sở nhưng riêng trạm y tế xã chưa có một nguồn nào hết… Đó là những bất cập còn tồn tại.
Từ đó, Bộ Y tế có các giải pháp về bộ máy; nhân lực; tài chính; cơ sở hạ tầng; hoạt động.
Y tế cơ sở rất quan trọng, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu gồm 2 hoạt động: dự phòng, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe; và khám chữa bệnh – chủ yếu phải tập trung vào dự phòng.
Về tài chính chúng tôi ban hành các gói dịch vụ cơ bản về dự phòng, điều trị và đề nghị chi trả BHYT.
Về nhân lực: chúng tôi có đề án phát triển nhân lực, tăng cường đào tạo bác sĩ theo mô hình y học gia đình – bác sĩ về làm việc tại đây được đào tạo theo hình thức đa khoa; có định mức cán bộ y tế theo hoạt động, chúng tôi đang phối hợp với WHO xây dựng đội phản ứng nhanh, vẽ bản đồ hơn 10.000 trạm y tế trong toàn quốc, chọn những trạm nào cần thiết đầu tư về khám chữa bệnh hoàn chỉnh theo mô hình y học gia đình.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng tôi đang tranh thủ nguồn OAD viện trợ cho Tây Nguyên, miền núi phía Bắc… tập trung cho y tế cơ sở đổi mới cung ứng dịch vụ này. Chúng tôi cũng có đề xuất về quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, sắp tới có Quỹ phòng chống tác hại rượu bia… lấy từ thuế thuốc lá, rượu bia thành quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng, học tập kinh nghiệm các nước như Philippin, Australia, Thái Lan… làm rất tốt; có nơi tăng 300-600 triệu USD bổ sung cho Ngân sách. Như vậy Ngân sách không phải chi cho dự phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu mà lấy từ Quỹ phòng chống tác hại rượu bia, thuốc lá nói trên để mà phục vụ cho công tác đó. Như vậy rõ ràng là được lợi cho người dân mà không tốn nhiều Ngân sách.
Liên quan đến vấn đề dược của ĐB Dương Minh Ánh, tôi cho rằng ý kiến của ĐB rất xác đáng. Mặc dù đã có các Thông tư về kê đơn, quản lý các chuỗi quầy thuốc đạt chuẩn GDP nhưng họ không tuân theo… đây là cái yếu kém trong quản lý của ngành, chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm, sắp tới chúng tôi sẽ đổi mới toàn diện vấn đề này. Tuy nhiên đội ngũ thanh tra giám sát vấn đề này vẫn còn rất thiếu, cả nước chỉ có chưa đến 300 thanh tra; cũng khó như vấn đề ATTP.
Vấn đề lạm dụng kháng sinh, chúng tôi cũng trình chính phủ phê duyệt chiến lược phòng chống kháng kháng sinh, chúng tôi cũng xung phong là một trong những nước thí điểm của WHO có nhiều hoạt động này. Chương trình quản lý kháng sinh đang được quốc tế, các nước G7 quan tâm. Trong tương lai ngành y tế tiếp tục cố gắng quản lý việc sử dụng thuốc không hợp lý, kiểm soát vấn đề này theo lộ trình…
Vấn đề về giá thuốc, các ĐB có nêu giá thuốc tại quầy thuốc có sự loạn giá. Hiện nay để quản lý giá thuốc, chúng tôi cũng đã có ban hành các Thông tư số 9, 10,11 với các mức khác nhau: Quản lý giá đối với các BV công lập, ngoài công lập và đặc biệt sử dụng ngân sách của quỹ bảo hiểm; thứ 2 là các quầy thuốc trong BV công lập; thứ 3 là các quầy thuốc bán lẻ bên ngoài… Đối với nhà thuốc BV, chúng tôi đã thực hiện Nghị định đấu thầu, thành lập trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, lên danh mục thuốc đấu thầu thuốc tập trung … Hiện nay đang quản lý giá khá tốt, và chúng tôi đang điều chỉnh ở Thông tư 11 để giảm bớt gía cao của thị trường. Bắt buộc giá thuốc ở quầy thuốc BV bằng với giá thuốc BV mua.
Còn với các quầy thuốc bán lẻ phải tuân theo quy luật thị trường có kê khai giá, công khai minh bạch. Với các quầy thuốc bán lẻ này tất nhiên có sự chênh lệch giá nhiều, tuy nhiên chúng tôi cũng có ban thanh tra kiểm tra liên ngành Bộ Y tế - Công thương- Tài chính, nếu vượt qua không kê khai sẽ bị phạt song lực lượng còn nhỏ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp thu và phối hợp địa bàn phòng y tế, trung tâm y tế huyện… để giải quyết.
Vấn đề giá biệt dược cao, đặc biệt các thuốc ung thư, tim mạch thì các ĐB phản ánh là đúng bởi vì đã là biệt dược là độc quyền. Giải pháp của chúng tôi là điều chỉnh Thông tư 11 là hiện nay có gần 700 thuốc biệt dược có bản quyền, thứ hai là thuốc biệt dược gần hết bản quyền khoảng gần 500. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đang điều chỉnh Thông tư 11 đưa danh mục thuốc biệt dược gần hết bản quyền đấu thầu rộng rãi; còn với biệt dược chắc chắn họ độc quyền chúng tôi sẽ có hình thức đàm phán giá tốt nhất. Đây là hình thức mới thực hiện theo Luật đấu thầu, phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc. Trên thực tế thời gian qua, nói giá thuốc tăng nhưng thực chất theo báo cáo của BHXH – nơi quản lý thì nhờ phương thức quản lý chặt chẽ hơn nhiều, chi phí của Quỹ BHYT cho thuốc giảm trung bình 30%.
Vấn đề lạm dụng xét nghiệm của ĐB Kim Ngân ở Bắc Kạn, chúng tôi đã có thông tư, sắp tới chúng tôi sẽ ban hành chặt chẽ hơn, đổi mới phương thức chi trả theo khoán định suất, theo ca bệnh. Tôi cũng xin nói thêm là có những nước mất 10 năm mới hoàn thành việc xây dựng phương thức này.
Câu hỏi của ĐB Khánh về TPCN chúng tôi xin gửi báo cáo riêng cho ĐB.
Về vấn đề tự chủ của ĐB Tuân ở Thái Bình thì tự chủ là hình thức quản trị mới vận dụng, tất nhiên có điểm tốt và điểm chưa được – bài học từ các nước, các tổ chức quốc tế đã có khuyến cáo. Thực hiện phương châm của Đảng là những đơn vị sự nghiệp tiến tới tự chủ. Đối với hoạt động tự chủ tăng tính năng động của lãnh đạo điều hành tốt hơn, tăng chất lượng khám chữa bệnh, tăng tính trách nhiệm của cán bộ y tế, cho nên vấn đề thái độ, đạo đức của cán bộ y tế có khắc phục…
Đối với đơn vị tự chủ hoàn toàn, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng quản lý BV, trong đó có các thành viên hội đồng và có giám đốc điều hành.
Tuy nhiên, mặt hạn chế sẽ xảy ra lạm dụng như các ĐB đã có ý kiến. Chúng tôi ban hành chính sách về giá, phương thức chi trả, hương thức đầu tư… nhiều hình thức liên doanh liên kết, bám sát văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo và giám sát việc thực hiện.
Các Đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi tranh luận về nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Qua những phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các đại biểu rất hài lòng và cho biết đều sát vào vấn đề được chất vấn, đồng thời chia sẻ những khó khăn của ngành y tế. Chuyển sang phần tranh luận, Đại biểu cho biết, hiện nay cơ cấu bệnh tật thay đổi đặc biệt những bệnh nặng như ung thư tim mạch, nội tiết, bệnh mạn tính có biến chứng... việc điều trị rất tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân thường vào viện muộn, chi phí tốn kém, giảm thời gian sống. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp phát hiện sớm các bệnh này để giảm chi phí cho điều trị cũng như giảm gánh nặng với xã hội, nhất là phương diện BHYT cho những bệnh nhân này.
ĐB Đàm Thị Mỹ Hương, Ninh Thuận: Qua nghe Bộ trưởng trả lời về tình trạng trang thiết bị y tế mau hỏng, đắp chiếu. Điều này không chấp nhận được, qua theo dõi câu trả lời tôi thấy cần có giải pháp, tìm ra nguyên nhân tại sao và giải pháp khắc phục như thế nào? Cần làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý, lãng phí có phải là tội. Có hay không tình trạng cấp trên cấp trang thiết bị cho cơ sở nhưng cơ sở không có nhu cầu hoặc không đủ nguồn lực để sử dụng. Nếu có tình trạng này, hướng xử lý trong thời gian sắp tới như thế nào?
Đại biểu Lê Quân - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội
ĐB Lê Quân, thành phố Hà Nội: Tôi có ý kiến tranh luận như sau, nếu nhìn vào các giải pháp như chúng ta tập trung vào đầu tư công và đào tạo những chuyển biến trong từ 3-5 năm tới sẽ chậm. Ở tuyến cơ sở tôi thấy rằng, đội ngũ bác sĩ làm các phòng khám gia đình, phòng khám tư. Mạng lưới này tương đối phổ biến. Y tế phường xã, nhất là ở các đô thị được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất nhưng công suất sử dụng kém hiệu quả, chủ yếu chỉ phục vụ cho y tế dự phòng. Trong khi đó, nhiều bác sĩ hiện nay phải đi thuê các cơ sở vật chất với chi phí khá cao. Tôi cho rằng để đầu tư phát triển y tế cơ sở chúng ta phải nhìn nhận thực tiễn, bên cạnh đó bác sĩ đang làm nhiều dịch vụ bác sĩ tư, ở các nước khác cũng vậy. Tại sao không học các nước phát triển, cho phép bác sĩ giỏi có chuyên môn cao được sử dụng cơ sở vật chất ở trạm y tế cơ sở, mở các dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thu hút được rất nhiều bệnh nhân đồng thời kết hợp với BHYT. Thứ 2, chúng ta đang cho phép các bệnh viện lớn, tuyến trên tăng phí dịch vụ khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng nhiều bệnh viện tập trung tăng nguồn thu, nên mở rộng khám chữa bệnh, vô hình chung sẽ kéo người bệnh lên tuyến trên trong khi tuyến dưới do chuyên môn bác sĩ không đáp ứng nên người bệnh không đến. Cần nhìn nhận vai trò thực tiễn của khám chữa bệnh, làm sao để tạo điều kiện cho bác sĩ phát triển được dịch vụ khám chữa bệnh.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, An Giang: Tôi xin tranh luận với ĐB Nguyễn Chiến, ĐB Lệ Thủy, ĐB Tuân… về việc tăng viện phí và tự chủ sẽ làm người dân bị ảnh hưởng. Theo tôi điều đó đúng nhưng không đủ. Nếu các ĐB đi về các bệnh viện huyện, thậm chí ngay cả bệnh viện tỉnh, những nơi mà kinh tế khó khăn, chúng ta sẽ thấy một thực trạng không thể không thừa nhận, đó là khi tiến hành tự chủ kinh tế, cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập giữa BHYT và các bệnh viện, đồng lương nhân viên y tế còn rất bấp bênh theo từng tháng và các bệnh viện không giữ được bác sĩ chuyên môn giỏi ở cống hiến cho bệnh viện. Chính vì không thống nhất giữa các nguyên tắc của BHYT và hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành y tế tạo ra khoảng cách giữa các nhà chuyên môn và các nhà quản lý BHYT . Thậm chí có vị trưởng ban BHYT nói rằng có thể chụp 1 cái phim cả cẳng chân, cổ chân, bàn chân vào 1 phim cho tiết kiệm, còn nếu chụp riêng sẽ bị xuất toán. Chính vì vậy tôi mong các ĐB hiểu được mấu chốt của vấn đề trong cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cũng như thái độ của nhân viên y tế, đó chính là sự thống nhất chính sách, đồng độ giữa BHYT – là nơi chi trả tiền và các đơn vị trực tiếp khám chữa bệnh . Đây cũng là câu hỏi tôi xin dành cho Bộ trưởng. Bộ trưởng đã có kế hoạch nào kéo gần khoảng cách này lại, để các chính sách BHYT phù hợp hơn với thực tế, hạn chế tối đa lãng phí quỹ nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất của ngành là nâng cao chất lượng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân?
ĐB Hoàng Đức Khánh, Quảng Trị chất vấn: Tôi đề nghị Bộ trưởng làm rõ những vấn đề sau. Hiện nay nhiều bệnh nhân điều trị mãi ở một cơ sở y tế mà bệnh vẫn không khỏi, nhưng không được chuyển lên tuyến trên, xuất hiện tình trạng cắt lát, chia nhỏ từng bệnh nhân, nhằm nâng mức chi dịch vụ khám chữa bệnh để thanh toán với BHYT. Điều này cho thấy kẽ hở, lỗ hổng lớn trong các quy định thực hiện chính sách BHYT làm quỹ BHYT đang bị trục lợi nghiêm trọng từ phía các cơ sở y tế. Vậy Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm của ngành y tế và cá nhân Bộ trưởng trước vấn đề này, theo Bộ trưởng giải pháp nào là trọng tâm nhất tiến đến khắc phục, tiến đến chấm dứt việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT?.
ĐB Châu Quỳnh Dao, Kiên Giang: Đội ngũ cán bộ y tế chưa đồng đều về số lượng và chất lượng ở các tuyến dẫn đến quá tải ở tuyến trên, ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân. Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để khắc phục tình trạng này nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT của người dân? Thứ 2, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân là công việc nặng nề và chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế chưa thỏa đáng, như mức lương khởi điểm cho bác sĩ đào tạo 6 năm bằng 4 năm, hay chưa có chính sách bền vững thu hút cán bộ y tế có tay nghề cao ở lại công tác ở làm ở khu vực vùng sâu vùng xa. Bộ trưởng có giải pháp để cán bộ y tế toàn tâm toàn ý phục vụ tốt thiên chức của mình?
ĐB Nguyễn Phi Thường, Hà Nội: Cử tri phản ánh, hiện có nhiều vấn đề bất cập làm BHYT trở nên méo mó khiến BHYT mất đi ý nghĩa “vị nhân sinh”. Các bên liên quan đều không hài lòng, người dân chỉ có một sản phẩm BHYT duy nhất phải mua áp theo mức phần trăm tiền lương, không có lựa chọn, mua rồi khi hưởng lại gặp nhiều khó khăn, cào bằng và hạn chế, từ thủ tục đến không được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Muốn tới chỗ chất lượng cao hơn thì phải trả thêm tiền, hay những rào cản kỹ thuật như giảm chi… ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh được thụ hưởng từ BHYT, thiệt thòi cho người bệnh, đi lệch tôn chỉ của ngành y tế là tính mạng của người bệnh là cao nhất. BHYT lo trục lợi bảo hiểm, vỡ quỹ bảo hiểm, các bệnh viện , bác sĩ cũng tâm tư vì bị áp quỹ, áp trần, siết chi nên bỏ số lớn biệt dược khỏi danh mục sử dụng thuốc, sử dụng vật tư y tế giá thấp, áp trần các kỹ thuật cao… mà không quan tâm đến xuất xứ, chất lượng, phẩm cấp thiết bị đầu tư nhân lực…. Để đảm bảo mức chi cho người sử dụng BHYT, tôi xin hỏi 3 ý: Đề nghị Bộ trưởng cho biết để tình trạng như vậy, trách nhiệm Bộ Y tế ở đâu, quan điểm , giải pháp xử lý? Thứ 2, đề nghị Bộ Y tế rút ngắn thời gian thông tuyến tỉnh từ 1/1/2021 xuống 1/1/2019 để người dân được hưởng lợi từ chính sách BHYT và cũng là khuyến khích người dân tham gia BHYT, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm xử lý với nguyện vọng này của cử tri? Thứ 3, bao giờ Bộ Y tế triển khai hệ thống y tế điện tử để số hóa tình trạng bệnh tật, chăm sóc y tế của mỗi người dân trong bệnh án điện tử, giảm trục lợi bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của người bệnh? Tuổi thọ của người dân tăng lên, vấn đề chăm sóc sức khỏe người già đang trở thành một vấn đề của xã hội. Bộ trưởng cho biết quan điểm chính sách và kế hoạch phát triển hệ thống nhà dưỡng lão?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên làm việc buổi sáng kết thúc, buổi chiều Bộ trưởng Bộ y tế sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi tranh luận và các chất vấn tiếp theo.
11h30: Các đại biểu nghỉ.
14h chiều: Bộ trưởng tiếp tục trả lời chất vấn.
Báo Suckhoedoisong.vn mời các bạn theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào buổi chiều tại đây