Bí thư Thành ủy TP.HCM: Người dân phải được chăm sóc sức khỏe với những dịch vụ y tế chất lượng cao

23-02-2017 11:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 21/2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Ngành Y tế TP.HCM về đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa bệnh viện và định hướng phát triển của Ngành Y tế Thành phố từ nay đến năm 2020.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện hữu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh tự chủ tài chính, xã hội hóa, đổi mới cơ chế chính sách trong hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là dân nghèo, gia đình chính sách… là những nội dung đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt ra tại buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về việc xã hội hóa y tế, tự chủ tài chính và định hướng phát triển ngành y tế thành phố đến năm 2020 vào chiều 21/2/2017.

Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

Đồng chí Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị

Báo cáo tại buổi làm việc về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính từ năm 2006-2016, GS.TS.BS.Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: đến năm 2016, thành phố đã có 10 cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và 72 cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ đảm bảo một phần chi phí hoạt động. Với hoạt động này, các bệnh viện có điều kiện mở rộng, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ; tăng thu nhập nhân viên y tế; có cơ chế, điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết với cơ sở y tế tư phát triển những hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…. từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự hài lòng người bệnh và người dân được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao. Đồng thời, việc đưa tiền lương vào giá và có lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế của Chính phủ là giải pháp căn cơ, bền vững thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao quyền tự chủ tài chính và tạo đòn bẩy để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, việc quá tải bệnh viện tập trung chủ yếu ở 3 chuyên khoa nhi, ung bướu và chấn thương chỉnh hình. Để giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... Điển hình việc đưa vào hoạt động bệnh viện Nhi Đồng thành phố cũng góp phần giảm quá tải chuyên khoa nhi trong năm 2017. Đầu năm 2018, khi cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu đi vào hoạt động sẽ giải quyết được quá tải chuyên khoa ung bướu.

Đến năm 2020, thành phố sẽ không còn quá tải bệnh viện nếu tỷ lệ bệnh nhân nội trú từ các tỉnh thành khác về thành phố khám bệnh, chữa bệnh vẫn giữ mức khoảng 50% như hiện nay. Trong đó, ngành tập trung nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh ở hệ thống y tế cơ sở, phấn đấu đến năm 2018 tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện quận huyện lên tuyến trên là 5%; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế tuyến thành phố theo hướng chuyên sâu hóa, phát triển y tế chuyên sâu kỹ thuật cao, nghiên cứu ứng dụng y học hiện đại; đẩy mạnh mô hình hợp tác y tế công - tư, tăng quyền tự chủ, tạo điều kiện để các bệnh viện tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, phấn đấu đến năm 2020 mỗi bác sĩ chỉ được khám tối đa là 35 bệnh/bàn khám/ngày theo tiêu chí của Bộ Y tế, không để người bệnh nằm ghép và hoàn thành hệ thống y tế dự phòng về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực đủ - chuyên nghiệp, tăng cường cơ chế hỗ trợ chính sách tiền lương, phụ cấp... để thu hút khoảng 30% nguồn nhân lực dự phòng đáp ứng yêu cầu dự phòng theo mô hình bệnh tật hiện nay tại thành phố.

Về xã hội hóa y tế trong 10 năm qua, GS.TS.BS. Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho biết, Ngành y tế TP triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như vay vốn kích cầu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng y tế; hợp tác công – tư trong việc sử dụng tài sản, góp vốn liên doanh mua sắm trang thiết bị và thực hiện một số cơ chế chính sách phát triển y tế. Trong đó, ngành y tế có 91 dự án đầu tư thuộc chương trình vay vốn kích cầu để đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, hệ thống xử lý nước thải, trang thiết bị y tế với tổng giá trị vay là 3.929 tỷ đồng trong thời gian hoàn vốn từ 5 – 7 năm; có 109 đề án liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị, cung cấp dịch vụ với tổng trị giá là 1.100 tỷ đồng và triển khai 6 đề án hợp tác công – tư về hoạt động chuyên môn, đào tạo nhân sự có trình độ chuyên môn cao, sử dụng có hiệu quả công suất giường bệnh, giảm quá tải bệnh viện y tế công lập.

Hội nghị đã nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ và chuẩn bị tự chủ tại các bệnh viện, những đề xuất, kiến nghị giải pháp để hoạt động tự chủ của bệnh viện ngày càng tốt hơn, đảm bảo người bệnh hài lòng hơn, thu nhập của cán bộ y tế cao hơn giúp an tâm công tác, bệnh viện có nguồn thu để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám chữa bệnh.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP. HCM mong muốn lãnh đạo bệnh viện phải tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý bệnh viện, tăng cường tính công khai dân chủ, tính minh bạch khi thực hiện tự chủ bệnh viện. Đồng chí cũng yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện phải nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị trang thiết bị… Đồng chí đề nghị Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu, xây dựng giáo trình bồi dưỡng quản trị bệnh viện theo tiêu chí quốc tế dể tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn để lãnh đạo bệnh viện có thể tham dự nâng cao năng lực quản trị.

Đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố cũng đề nghị Sở Y tế tăng cường quản lý nhà nước đối với các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân, tránh hoạt động lạm dụng Quỹ Bảo hiểm Y tế, thực hiện quản lý chất lượng để phục vụ người bệnh. Đối với chương trình vay đầu tư từ nguồn vốn kích cầu của Thành phố, đồng chí cũng đề nghị Sở Y tế và các bệnh viện nghiên cứu, đề xuất các nội dung để bệnh viện có thể tham gia thuận lợi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, đồng thời lãnh đạo Sở Y tế cần phối hợp với các sở ngành hướng dẫn cho các bệnh viện thực hiện đúng các hoạt động xã hội hoá, tránh bị sai sót.

Trước băn khoăn, trăn trở và chia sẻ những khó khăn của các bệnh viện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho rằng phát triển y tế là một vấn đề có tính chiến lược, lâu dài. Đây là một trong 3 vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước tập trung chăm lo cho nhân dân, vì vậy cần quyết liệt đổi mới phương thức tổ chức hoạt động định hướng phát triển y tế và cần tìm một hướng đi đột phá, phù hợp với mô hình phát triển y tế hiện nay để chăm lo sức khỏe cho người dân được tốt hơn, đảm bảo công bằng xã hội.

Đồng chí Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ chỉ đạo Ngành Y tế cần căn cứ vào các văn bản pháp lý của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, căn cứ vào quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển ngành y tế để tổ chức thực hiện hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực y tế. Đồng chí đề ra các nguyên tắc trong hoạt động xã hội hoá của ngành y tế là quyết liệt đổi mới phương thức hoạt động của bệnh viện nhưng phải đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Việc tổ chức thực hiện phải mang tính đồng bộ, vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để việc triển khai thực hiện đảm bảo khoa học, đề nghị phải nghiên cứu triển khai thực hiện Quy hoạch của Ngành Y tế đã được Thành phố phê duyệt, điều chỉnh những nội dung cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và trong tương lai. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng đề nghị thành lập Tổ Công tác nghiên cứu thí điểm mô hình quản lý các cơ sở y tế trong tình hình mới để phù hợp với xu thế phát triển.

Đồng chí Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực phát biểu chỉ đạo

Đồng chí Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực phát biểu chỉ đạo

Phát biểu kết luận chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đinh La Thăng – Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí Thư Thành uỷ đã biểu dương những thành quả mà ngành y tế Thành phố, các bệnh viện, các cơ sở y tế đạt dược trong thời gian qua, hoạt động của Ngành Y tế đang đi đúng với mục tiêu đã đề ra, đó là cùng tham gia xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, có môi trường sống tốt, người dân được chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn. Đồng chí Bí thư Thành uỷ cũng đã đặt ra các vấn đề trọng tâm Ngành Y tế thành phố phải thực hiện được trong thời gian tới, đó là:

  1. Ngành Y tế tiếp tục tập trung giải quyết được vấn đề quá tải bệnh viện, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản giải quyết quá tải. Nghiên cứu giải quyết quá tải phải tính đến việc tăng chất lượng phục vụ, tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu người bệnh từ các tỉnh khác muốn đến thành phố Hồ Chí Minh để khám, chữa bệnh để được hưởng các kỹ thuật cao từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

  2. Rà soát, bổ sung quy hoạch Ngành Y tế cho phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, phù hợp với một thành phố năng động, “thông minh”, đô thị đặc biệt. Phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý cơ sở y tế.

  3. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tự chủ trong các bệnh viện. Lãnh đạo Sở Y tế phân cấp mạnh hơn nữa cho lãnh đạo các bệnh viện về các mặt về tài chính, nhân lực, mua sắm- quản lý trang thiết bị để đảm bảo hoạt động tự chủ trên cơ sở người bệnh phải được chăm sóc tốt nhất.

  4. Không phân biệt bệnh viện, tăng cường phối hợp với các bệnh viện của các Bộ Ngành trung ương đóng trên địa bàn thành phố, các bệnh viện tư nhân, để phát huy nguồn lực của các cơ sở y tế trong việc khám, chữa bệnh trên tinh thần tất cả phục vụ người bệnh.

  5. Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế tốt hơn, hiệu quả hơn. Tăng cường vai trò quản lý, giám sát của cấp uỷ các cấp, tăng cường hoạt động của Uỷ ban kiểm tra trong quá trình thực hiện tự chủ, tránh để cho các đơn vị bị sai sót khi thực hiện. Thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

  6. Tổng kết, đánh giá hoạt động xã hội hoá của ngành y tế trong 10 năm qua, đút kết được những thuận lợi, khó khăn và đề xuất hướng giải quyết tham mưu cho Lãnh đạo thành phố.

  7. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới, đây là giải pháp quan trọng để ngành y tế có thể tiếp cận và ứng dụng được kỹ thuật cao của thế giới, giúp cho hoạt động khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn.

  8. Lãnh đạo Ngành Y tế và lãnh đạo các đơn vị phải nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, tổ chức thực hiện hiệu quả, xứng đáng là trung tâm y tế kỹ thuật cao, cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh tốt nhất, góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt.

Nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Đồng chí Bí thư Thành uỷ gửi lời chúc mừng đến đội ngũ cán bộ ngành y tế, chúc cán bộ y tế luôn thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Lương y như Từ Mẫu”.


PV
Ý kiến của bạn