Bệnh ung thư hiếm gặp và nghị lực phi thường của con người

19-10-2017 20:01 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Ung thư có tới trên 200 loại nhưng Synovial Sarcoma (Sarcoma mô mềm) hay SS lại là dạng ung thư hiếm gặp, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, cả trên mặt như những trường hợp dưới đây.

Nghị lực phi thường của người trong cuộc

Tim McGrath, 38 tuổi ở Michigan, Mỹ mắc phải bệnh Sarcoma mô mềm, dạng ung thư mô hiếm gặp, có khối u to khổng lồ trên khuôn mặt bên trái, di căn xuống hàm, nuốt gần hết nửa mặt. Để giúp Tim McGrath giảm bệnh, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u hồi tháng 10/2015 sau ca phẫu thuật dài 30 tiếng kèm theo 7 tuần nằm viện. “Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u, tôi chỉ còn nửa khuôn mặt và không biết số phận sẽ ra sao nếu không gặp được bác sĩ Chaiyasate, người đã tái tạo cho tôi phần mặt bị mất, kết quả thật đáng kinh ngạc”, Tim McGrath trải lòng.

McGrath cho biết thêm, căn bệnh ung thư của anh được phát hiện lần đầu vào tháng 2/2014 sau khi bị đau hàm trên. Qua MRI, bác sĩ phát hiện một khối u kích thước bằng quả trứng ở quai hàm. Trong suốt 18 tháng, McGrath không qua phẫu thuật mà tìm các giải pháp điều trị khác. Nhưng bệnh tình của anh không giảm bớt mà khiến một bên mặt ngày càng lở loét. Các phương pháp này đều không tác dụng, khiến khối u phát triển che lấp một nửa khuôn mặt của Tim McGrath. Hơn nữa, lại không ngừng mưng mủ, bốc mùi khiến mọi người nhìn thấy cũng phải ái ngại. Do khối u phát triển chèn ép cổ họng, mất miệng nên việc ăn uống phải dùng ống dẫn từ bên ngoài vào.Tim McGrath và bác sĩ  Kingkrit Chaiyasate.

Tim McGrath và bác sĩ  Kingkrit Chaiyasate.

Sau khi phải trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật, cắt bỏ khối u, bác sĩ Kongkrit Chaiyasate, một trong những chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật chỉnh hình đã giúp Tim McGrath có khuôn mặt mới, bằng cách sử dụng da và cơ lấy từ chân trái, tay trái, trước trán để nuôi cấy, sau đó đắp lên khuôn mặt thiếu hụt cho Tim McGrath. Bệnh nhân chưa thể ăn uống bằng miệng hay khó phát âm nhưng chất lượng cuộc sống đã được cải thiện đáng kể.

Câu chuyện của Tim McGrath quả là một kỳ tích của y học và nghị lực phi thường của con người, nó truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta thông qua câu chuyện người thật việc thật. “Có nhiều người nhìn tôi, kể cả trẻ em bởi chúng chưa hiểu hết sự đời, nhưng qua những gì tôi đã trải qua, hy vọng mọi người sẽ thấy điều gì đó ẩn đằng sau căn bệnh mà tôi mắc phải. Cuộc hành trình trường kỳ và gian nan nếu tôi không vượt lên chính mình và nỗ lực giúp đỡ của cộng đồng, ngành y thì tôi khó có thể tồn tại được đến ngày nay”, Tim McGrath trải lòng và cũng là điều anh muốn nói để cảm ơn số phận và những người đã giúp anh, nhất là bác sĩ Kongkrit Chaiyasate. Qua trường hợp của Tim McGrath cho thấy, sức khỏe là vốn quý, việc bảo vệ sức khỏe là điều quan trọng giúp mọi người sống lâu, đừng có chủ quan, xem thường những dấu hiệu lạ trên cơ thể, nhất là những dấu hiện bất an liên quan đến ung thư đã được y khoa khuyến cáo, cập nhật.

Trường hợp khác, đó là chị Becky Gehringer, người phụ nữ ở Omaha, Nebraska, Mỹ đã chiến thắng căn bệnh Sarcoma mô mềm ngay khi đang mang thai đứa con thứ ba qua dấu hiệu đau ngực. Qua scans cho thấy, trên phổi của Becky bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của căn bệnh SS quái ác. Khi mang thai ở tháng thứ 5, bác sĩ phát hiện một phần phổi của Becky Gehringer xuất hiện khối u kích thước như một quả bóng mềm (Sarcoma mô mềm giai đoạn 4) cần phải cắt bỏ. Sau đó qua hóa trị liệu nên vẫn mang thai bình thường nhưng bé Ethan phải chào đời non tới 5 tuần so với quy định. Sau nhiều lần điều trị, hiện nay không có khối u nào xuất hiện và mọi thứ vẫn phát triển tốt đẹp. Đến nay, Gehringer đã sống sót qua 3 lần ung thư nhưng chị vẫn không nản chí, sống, làm việc và nuôi con.

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn trang tin trực tuyến Theempowerupproject, Becky Gehringer cho hay: “Hiện tại tôi vẫn phải điều trị, nhưng được sự giúp đỡ, động viên của chồng, người thân tôi thấy mình có thêm sức mạnh. Ngay cả khi bị hói lúc mang thai tháng thứ 8, chồng tôi vẫn động viên, thậm chí còn khen tôi đẹp, nhưng anh ấy phải chuyển công tác về gần nhà để chăm sóc vợ con”. “Những tháng mang thai cuối cùng là một thách thức tôi chưa từng trải qua và tưởng tượng nổi. Vừa mang thai, cơ thể phải gánh chịu những thay đổi khi làm mẹ, lại vừa phải phẫu thuật và các phản ứng phụ do hóa trị liệu gây ra. Còn chồng tôi vừa đi làm lại vừa lo nuôi gia đình gần 5 miệng ăn, kể cả bé sắp sinh. Thật kỳ diệu, con tôi, bé Ethan Matthew ra đời ngày 22/9/2014 trong trạng thái khỏe mạnh và kháu khỉnh. Sau 1 tuần sinh con, tôi đã phải trở lại bệnh viện để bắt đầu một chế độ hóa trị liệu bổ sung tăng liều, 6 ngày điều trị nội trú và 2 tuần hồi phục tại nhà. Quy trình này lặp đi lặp lại tới 6 lần, và đến lễ Giáng sinh khám lại không thấy còn bất kỳ khối u nào. Thời gian tiếp theo, chính xác là 8 tháng, tôi đã sống không có ung thư, gia đình chúng tôi mua một căn nhà mới để 5 người dọn về ở sau nhiều năm vất vả. Đặc biệt tóc trên đầu bắt đầu xuất hiện trở lại. Tôi cảm thấy may mắn được sống trong một thành phố có dịch vụ y tế tương đối đầy đủ. Tôi cầu nguyện, những người có cùng cảnh ngộ đều có thể hy vọng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo để sống, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh bi đát, vẫn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng như những gì tôi đã vượt qua, miễn là có niềm tin và nghị lực”, Becky Gehringer trải thật lòng mình.

Vài nét về Sarcoma mô mềm

Sarcoma mô mềm là căn bệnh rất hiếm gặp, dạng ung thư phát sinh từ mô mềm hoặc xương trong cơ thể, với hai dạng chính là Sarcoma mềm và Sarcoma xương, nhất là các mô mềm bao quanh đầu gối, thường gặp ở nhóm người trẻ (từ 15-40 tuổi). Các cơ, gân, mô xơ, mạch máu, dây thần kinh, mô bao hoạt dịch được gọi là các mô mềm. Tập trung thành từng nhóm như mô xơ, mô mỡ, cơ xương và cơ trơn. SS phát triển ở mọi vị trí trên cơ thể, như chi dưới 60-70%, chi trên 15-25%, mô mềm 90-95%, khớp 5-10%, đầu và cổ 5%, kết mạc, ngực, nội tạng như tim, phổi, thận, tuyến tiền liệt và thực quản...

Nguyên nhân chính xác của Sarcoma mô mềm và ung thư phần mềm chưa được biết hết, y học mới chỉ tình nghi đến các yếu tố làm tăng bệnh như xạ trị ngoài, do di truyền (trên 90%) và di truyền kết hợp với tăng sinh các Sarcoma mô mềm. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như phơi nhiễm hóa chất thuốc diệt cỏ, chất độc da cam, thuốc bảo quản gỗ có chứa chlorophenol, arsenic...

Triệu chứng điển hình của Sarcoma mô mềm là có khối u, nhất là ở các chi chân tay, ở giai đoạn tiến triển cao, bệnh nhân thường có dấu hiệu sút cân, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức, khó thở... Chẩn đoán Sarcoma mô mềm hiện nay là chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ hạt nhân MRI và sinh thiết mô... Điều trị Sarcoma mô mềm phụ thuộc vào tình trạng bệnh và giai đoạn phát triển của bệnh. Liên quan đến căn bệnh này, Trung tâm Nghiên cứu ung thư MD Anderson (MDA) ở Texas Mỹ hiện đang tiến hành hai thử nghiệm lâm sàng cho nhóm bệnh nhân Sarcoma. Thử nghiệm thứ nhất dành cho nhóm bệnh nhân HLA-A2 với Sarcoma sụn không biến chứng, di căn và tái phát biểu hiện NY-ESO-1. Đây là nhóm có đủ điều kiện được điều trị bằng hóa trị liệu và cho các tế bào T biến đổi gene để nhận dạng NY-ESO-1, hy vọng tế bào T sẽ giết chết các tế bào ung thư. Nghiên cứu còn lại dành cho nhóm bệnh nhân với nhiều loại Sarcoma, nhằm xác định xem liệu y học có thể điều trị thành công Sarcoma bằng cách kết hợp các chất ức chế STPI và ARGELIMABAB hay không.

Phương pháp điều trị phổ biến gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u cục bộ, xạ trị tiêu diệt các tế bào ung thư và hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Cũng phải nói thêm rằng, khoa học chưa hiểu hết nguyên nhân gây bệnh nên việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời sẽ mang lại hiệu quả cao, trong đó có việc khám sức khỏe định kỳ để giúp phát hiện sớm. Bệnh Sarcoma mô mềm là căn bệnh “nằm lỳ” trong thời gian dài trước khi tái phát với kích thước có thể được phát hiện được bằng kỹ thuật scan nên người bệnh cần phải được thăm khám thường xuyên, ngay cả không có bằng chứng trong nhiều năm.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn