Bệnh sốt xuất huyết gia tăng tại Khánh Hòa: Phòng dịch theo phong trào?

04-12-2015 14:07 | Tin nóng y tế

SKĐS - Khánh Hòa là một trong những điểm nóng của cả nước về bệnh sốt xuất huyết Degue (SXHD), tính đến hết ngày 2/12/2015, báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng cho biết...

Khánh Hòa là một trong những điểm nóng của cả nước về bệnh sốt xuất huyết Degue (SXHD), tính đến hết ngày 2/12/2015, báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, toàn tỉnh tích lũy từ đầu năm 2015 đã có 6.868 ca bệnh được ghi nhận là mắc SXHD, trong đó có 2 trường hợp tử vong là trẻ em. Số ca mắc SXHD đã tăng gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2013 và tương đương với số mắc của năm 2013. Đây là thực trạng đáng lo ngại khi số ca mắc tiếp tục tăng cao. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phải chăng công tác phòng dịch của ngành y tế Khánh Hòa chưa quyết liệt? Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với BS. Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

BS. Lê Tấn Phùng.

PV: Thưa ông, tình trạng SXHD trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang ở mức cao và dự báo tình hình ngày càng phức tạp, theo ông nguyên nhân do đâu?

BS. Lê Tấn Phùng: Thực trạng SXHD trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong những tháng cuối năm nay là đáng lo ngại khi số ca mắc tiếp tục tăng cao tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Sự gia tăng của số ca mắc SXHD năm nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thời tiết thay đổi với nắng hạn kéo dài trong toàn tỉnh từ đầu năm, xen lẫn những đợt mưa rải rác trong những tháng cuối năm là nguyên nhân làm cho muỗi phát triển mạnh, tạo điều kiện cho sự lan truyền bệnh SXHD.

Do nắng hạn kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt nên người dân buộc phải dự trữ nước bằng các phương tiện khác nhau như chum, lu, vại... Chính những phương tiện này khi không được che đậy kín sẽ tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, tạo thành những ổ bọ gậy, lăng quăng, lại làm phát sinh muỗi truyền bệnh SXHD. Có thể nói thời tiết là nguyên nhân chính làm cho SXHD tăng mạnh tại tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, một nguyên nhân chủ quan khác làm cho diễn biến của SXHD trong tỉnh thêm phức tạp là công tác diệt bọ gậy được thực hiện chưa mạnh mẽ, chưa thường xuyên liên tục và chưa huy động cộng đồng tham gia một cách tích cực và chủ động. Một số địa phương thực hiện mang tính “phong trào”, “chiến dịch”, làm một hai lần rồi thôi, do đó, hiệu quả không bền vững. Việc xác định xã nào, thôn nào, tổ dân phố nào cần triển khai diệt bọ gậy 1 tuần/ lần, nơi nào cần triển khai 2 tuần/lần và nơi nào triển khai 1 tháng/lần theo chỉ đạo của Bộ Y tế chưa được thực hiện một cách cụ thể.

Việc xử lý ổ dịch SXHD tại một số địa phương chưa triệt để, chưa đúng thời gian và chưa được giám sát chặt chẽ, nhất là giám sát kỹ thuật phun hóa chất cho nên hiệu quả diệt côn trùng không cao. Việc thử kháng hóa chất đối với muỗi trên thực địa chưa được nghiên cứu, triển khai. Đó là những nguyên nhân mang tính chủ quan, có ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống SXHD trên địa bàn tỉnh.

PV: Được biết ngành y tế Khánh Hòa đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng SXHD gia tăng, tuy nhiên kết quả vẫn không như chúng ta mong đợi, liệu có phải do sự chỉ đạo chưa quyết liệt hay khâu phòng dịch chưa hiệu quả?

BS. Lê Tấn Phùng: Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Sở Y tế đã được thực hiện liên tục và thường xuyên, không những trong công tác phòng dịch mà còn trong lĩnh vực điều trị. Sở Y tế đã kiểm tra công tác phòng dịch ít nhất là 4 đợt trong năm 2015 tại tất cả các địa phương trong tỉnh; triệu tập cán bộ tham gia các đợt tập huấn điều trị do Cục Quản lý KCB, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM tổ chức; thực hiện kiểm tra công tác điều trị SXHD tại các cơ sở y tế... UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị phòng chống dịch SXHD; tổ chức các cuộc họp ban chỉ đạo cấp tỉnh; trực tiếp kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch tại Vạn Ninh, Ninh Hòa. Phải nói rằng công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra giám sát đã được lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Y tế thực hiện thường xuyên và quyết liệt.

Điều trị cho bệnh nhân SXHD tại BV Nhiệt đới Khánh Hòa.

Tuy nhiên, hiệu quả phòng chống dịch đã không đạt như mong đợi. Nguyên nhân như đã nêu ở phần trên. Gần đây nhất, cuộc họp toàn tỉnh do UBND tỉnh chủ trì đã chỉ ra tồn tại trong công tác chỉ đạo, giám sát việc thực hiện của các địa phương và lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy một cách thường xuyên, liên tục, có địa chỉ cụ thể, có sự tham gia tích cực và chủ động của hộ gia đình, các đoàn thể và toàn cộng đồng, xem như giải pháp căn cơ để làm giảm nguy cơ mắc SXHD. Xử lý ổ dịch đúng thời gian, phun hóa chất đúng kỹ thuật có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng cũng là những giải pháp đã được UBND tỉnh chỉ đạo nhằm làm giảm dịch SXHD trên địa bàn tỉnh.

PV: Nhiều người dân phản ánh nơi họ ở tháng nào cũng có người mắc, trong khi cán bộ đi phun thuốc diệt muỗi chỉ lia qua loa hai cây bên đường rồi thôi, ý kiến của ông về vấn đề này?

BS. Lê Tấn Phùng: Việc phản ánh như trên của người dân là có thật. Tuy nhiên, cần phải phân biệt hai hình thức phun hóa chất là phun xe và phun bằng bình phun đeo vai. Trong trường hợp phun diện rộng, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ tổ chức phun xe dọc hai bên đường và nhà dân dọc hai bên đường được khuyến cáo là mở cửa để hóa chất có thể vào nhà để diệt muỗi. Trong trường hợp phun bằng bình phun đeo vai, người phun phải phun trong nhà. Có hiện tượng hộ gia đình đóng cửa do đi làm (mặc dù đã được thông báo), thậm chí có trường hợp người dân không cho phun hóa chất vào trong nhà do đó đã ảnh hưởng đến công tác diệt muỗi tại cộng đồng. Tuy nhiên, việc “cán bộ đi phun thuốc diệt muỗi chỉ lia qua loa hai cây bên đường rồi thôi” là chưa có bằng chứng cụ thể. Sắp tới, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các Trung tâm y tế phối hợp với Phòng y tế địa phương đẩy mạnh việc giám sát phun hóa chất nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng do người dân phản ánh như trên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Hồng (thực hiện)
Ý kiến của bạn