Bệnh Gút - Biến chứng và phương pháp phòng bệnh

07-05-2014 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Gút là một bệnh khớp vi tinh thể, nguyên nhân do acid uric máu tăng và lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây viêm khớp.

Gút là một bệnh khớp vi tinh thể, nguyên nhân do acid uric máu tăng và lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây viêm khớp. Tuy nhiên acid uric còn có thể lắng đọng ở các cơ quan khác như thận, tổ chức dưới da gây nên sỏi thận và hình thành các hạt tôphi. Ở các nước phát triển, bệnh chiếm tỷ lệ 1-2% dân số. Ở Việt Nam bệnh Gút đã trở nên rất phổ biến, ở cả thành thị và nông thôn, vươn lên đứng hàng thứ 4 trong 15 bệnh khớp nội trú thường gặp nhất.

Bệnh Gút là gì?

Theo định nghĩa mới nhất của Hiệp hội chống các bệnh thấp khớp châu Âu: “Gút là bệnh lắng đọng tinh thể muối urate natri trong cơ thể”. Người bị bệnh Gút thường xuyên tích lũy các tinh thể muối urat natri trong cơ thể. Những tinh thể urat này gây tổn thương tổ chức tại những nơi nó lắng đọng, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Hình ảnh bàn chân bị gút.

Thông thường (kể cả thầy thuốc và bệnh nhân) khi nói đến bệnh Gút chỉ quan tâm đến acid uric máu và những cơn viêm khớp cấp, mà ít khi đề cập đến các biến chứng của bệnh. Bản thân người bệnh do chưa có kiến thức đầy đủ về bệnh nên thường chủ quan, không quyết tâm kiên trì điều trị. Vì thế việc điều trị bệnh Gút tưởng như dễ nhưng rất ít người bệnh được điều trị một cách có hiệu quả. Nhiều trường hợp bệnh nhân khi đến Viện Gút đã kháng trị với các biện pháp điều trị thông thường.

Ở bệnh nhân Gút, tinh thể urat natri lắng đọng ở đâu sẽ gây tổn thương ở đó. Khớp, thận, phần mềm quanh khớp, tim, mạch máu… là những nơi hay phát hiện thấy tinh thể muối urat natri. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, theo thời gian, tổn thương ngày càng nhiều và gây ra những hậu quả nặng nề.

Khi lắng đọng ở khớp, tinh thể urat natri gây viêm màng hoạt dịch, viêm hoạt dịch, phá hủy sụn khớp, tiêu đầu xương, làm cho khớp bị thoái hóa dần. Sự tiến triển của thoái hóa khớp sẽ dẫn đến mất khả năng vận động khớp. Nhiều khớp bị thoái hóa sẽ dẫn đến tàn phế. Thoái hóa khớp là hậu quả tất yếu của bệnh Gút.

Khi tinh thể urat tích tụ nhiều quanh khớp sẽ tạo nên các khối gọi là tophi. Tophi cùng với thoái hóa khớp sẽ gây biến dạng khớp, cản trở hoạt động của khớp. Tophi chèn ép mạch máu và thần kinh, gây các bệnh lý mạch máu và thần kinh ngoại biên. Tophi có thể bị vỡ, rò urat khó liền, dễ bị nhiễm trùng. Có trường hợp đã phải cắt cụt chi.

Tinh thể urat natri lắng đọng ở các ống thận sẽ gây viêm kẽ thận, làm tắc các ống thận. Khi lắng đọng ở xoang thận có thể tạo thành sỏi thận. Viêm kẽ và tắc ống thận tất yếu sẽ dẫn đến suy thận. Thận hoạt động bù trừ tốt, nên suy thận thường âm thầm tiến triển trong một thời gian dài, mà không có biểu hiện triệu chứng sớm như thoái hóa khớp. Khi suy thận đã rõ rệt, tiên lượng trở lên nghiêm trọng. Việc điều trị suy thận ở giai đoạn muộn ít có hiệu quả, người bệnh có thể tử vong do suy thận.

Nhiều phát hiện thấy tinh thể urat gây viêm màng trong tim và cơ tim, tổn thương van tim có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Tinh thể urat có thể lắng đọng ở những mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây ra những tổn thương phát triển ở mạch máu làm giảm lưu thông máu, có thể gây tắc mạch, nhất là ở mạch vành của tim dễ gây tai biến tim mạch nguy hiểm.

Vì vậy, Gút là một bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng và hủy hoại dần cơ thể người bệnh. Phát hiện và điều trị sớm bệnh Gút sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Mục tiêu cơ bản trong điều trị bệnh Gút là phải làm tan các tinh thể muối urat đã lắng đọng và ngăn không cho urate tiếp tục kết tủa. Với bệnh nhân đã có biến chứng hoặc có các bệnh lý đi kèm, cần phải tích cực điều trị các tổn thương trên người bệnh.

Phương pháp phòng bệnh

Để đề phòng bệnh Gút xuất hiện nên người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống kiêng, hạn chế những loại thực phẩm, nước uống (như đã nói ở phần trên) có khả năng làm tăng nhanh lượng acid uric máu. Hàng ngày nên uống tăng lượng nước kèm theo nên ăn thêm các loại quả, canh, rau...

Có thể phòng tránh được bệnh Gút bằng việc thực hiện một chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Vì ăn uống bừa bãi là một yếu tố thúc đẩy làm xuất hiện bệnh và làm bệnh tái phát. Các nguyên tắc vệ sinh ăn uống đối với bệnh nhân Gút là chế độ ăn giảm đạm, giảm mỡ, giảm cân (nếu béo phì) và uống nhiều nước (khoảng 1,5-2 lít nước/ngày), đặc biệt là nước khoáng kiềm (để tăng cường thải tiết acid uric qua nước tiểu).

Thứ nhất, lượng thịt ăn hàng ngày không nên quá 15g, đặc biệt cần tránh ăn phủ tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi...), các loại thịt đỏ (thịt trâu, bò, chó, dê), các loại hải sản (tôm, cua, cá béo). Có thể ăn trứng, sữa, phomat, thịt trắng như thịt gia cầm, cá nạc.

Thứ hai là nên ăn thêm ngũ cốc, bánh mì trắng.

Thứ ba là ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ, hoa quả.

Thứ tư là cần tránh ăn những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua, uống nước chanh... vì chính những chất chua lại làm bệnh nặng hơn.

Thứ năm là về các đồ uống, bệnh nhân cần bỏ rượu, kể cả rượu vang, rượu thuốc.

Bệnh nhân Gút cần có chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh mọi mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất như tránh lạnh, lao động quá mức, chấn thương, stress... Ngoài ra, bệnh nhân Gút cần tránh dùng một số loại thuốc có thể làm tăng acid uric máu như các thuốc lợi tiểu, corticoid, aspirin.

Khoa Phạm

 


Ý kiến của bạn