Bệnh động kinh có điều trị dứt điểm được không?

13-11-2021 10:00 | Sức khỏe tâm hồn

SKĐS - Khoảng 50 triệu người trên thế giới mắc bệnh cùng khoảng 2,4 triệu người mới mắc bệnh mỗi năm, động kinh đã và đang là một vấn đề toàn cầu mang tính xã hội cao.

Tỷ lệ mắc động kinh tương đương các bệnh ung thư phổ biến

Động kinh là một trong những bệnh lý thần kinh mạn tính thường gặp nhất có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, chủng tộc và mọi tầng lớp kinh tế xã hội.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO, có khoảng 50 triệu người trên thế giới mắc bệnh và ước tính 2,4 triệu người mới mắc bệnh mỗi năm. Ngày nay Động kinh là một vấn đề toàn cầu, mang tính xã hội cao, chiếm 1% dân số tương đương tỉ lệ lưu hành ung thư phổi ở nam và ung thư vú ở nữ.

50 triệu người mắc động kinh, điều trị thế nào? - Ảnh 2.

Ths.BS Lê Viết Thắng, Khoa Ngoại Thần Kinh BV ĐHYD TP.HCM

Chia sẻ về căn bệnh "nghe quen mà lạ" này, Ths.BS Lê Viết Thắng, Khoa Ngoại Thần Kinh BV ĐHYD TP.HCM cho biết, Bệnh động kinh được định nghĩa là một rối loạn của não đặc trưng bởi nguy cơ diễn tiến các cơn co giật kiểu động kinh tái diễn. Theo Liên đoàn chống động kinh thế giới - ILAE: "Động kinh là tình trạng xác định bởi cơn co giật không do sốt cao, tái phát từ hai cơn trở lên, cách nhau trên 24 giờ và không bị kích thích lên cơn bởi các nguyên nhân được xác định tức thì, các rối loạn chuyển hóa cấp tính hoặc sự ngừng thuốc hay rượu đột ngột".

Triệu chứng lâm sàng điển hình của động kinh bao gồm tiền triệu (triệu chứng báo trước), bất động, thay đổi tri giác, trí nhớ và cử động tự động ở tay chân, mặt miệng. Tiền triệu điển hình bao gồm cảm giác khó chịu ở thượng vị, cảm giác khó chịu nhưng không mô tả được, sợ hãi hay lo lắng, triệu chứng của hệ thần kinh tự trị, ảo giác thấy việc gì đã xảy ra hay chưa từng xảy ra (déjà vu, jamais vu), tiền triệu về khứu giác. Tiền triệu có thể xảy ra riêng lẻ hay khởi đầu cho những triệu chứng cơn co giật.

Trong cơn co giật, những triệu chứng vận động xảy ra khi sóng động kinh lan sang những vùng não khác ngoài thùy thái dương và có thể giúp chẩn đoán định vị bên tổn thương (co giật mặt, co giật co cứng chi trên, quay mắt quay đầu, loạn trương lực cơ chi trên và dấu hiệu số 4 là những dấu hiệu đối bên của tổn thương). Co giật cục bộ toàn thể hóa liên quan đến sóng động kinh lan truyền sang hai bán cầu cũng thường gặp ở một số bệnh nhân.

50 triệu người mắc động kinh, điều trị thế nào? - Ảnh 3.

Triệu chứng lâm sàng điển hình của động kinh bao gồm tiền triệu (triệu chứng báo trước), bất động, thay đổi tri giác, trí nhớ và cử động tự động ở tay chân, mặt miệng.

Điều trị động kinh như thế nào?

Về phương pháp điều trị, Ths.BS Lê Viết Thắng chia sẻ, mục tiêu của điều trị chống động kinh là kiểm soát hoàn toàn và lâu dài cơn co giật mà không có bất kì tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Điều trị động kinh chủ yếu là sử dụng thuốc chống động kinh, đơn trị liệu hay đa trị liệu. Mặc dù với sự phát triển không ngừng các thuốc chống động kinh thế hệ mới nhưng có khoảng 30% bệnh nhân động kinh vẫn tiếp tục bị động kinh dù đã sử dùng nhiều thuốc chống động kinh liều cao, phối hợp. Do vậy, có những phương pháp điều trị động kinh không dùng thuốc ra đời: phẫu thuật, kích thích não sâu và chế độ ăn nhiều Ketone.

Phẫu thuật động kinh là phương pháp điều trị thay thế cho những bệnh nhân động kinh kháng thuốc. Mục đích của phẫu thuật động kinh là kiểm soát hoàn toàn cơn co giật hay ít nhất là giảm có ý nghĩa tần số và mức độ trầm trọng của cơn co giật, mà không gây ra thương tật và tử vong đáng kể cho bệnh nhân.

Mục tiêu thứ hai của phẫu thuật động kinh là giảm số lượng thuốc chống động kinh, giảm tác dụng phụ, ngăn ngừa suy giảm nhận thức của bệnh nhân khi động kinh trầm trọng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Phẫu thuật động kinh thành công cũng có thể giảm tỉ lệ tử vong của bệnh nhân khi so sánh với điều trị bằng thuốc chống động kinh.

Kỳ 2: Phân biệt bệnh động kinh và bệnh tâm thần

Mời xem thêm nội dung video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Khôi Nguyễn
Ý kiến của bạn