Báo động 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm - Xem ngay clip dạy trẻ tránh bị xâm hại

13-03-2017 09:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục... Đây là con số thực sự đáng báo động.

Cách dạy trẻ tránh bị xâm hại tình dục.

Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ XHTD trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014.

Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị XHTD, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một trẻ bị XHTD. Nạn nhân thậm chí bị giết chết để bịt đầu mối hoặc bị đe doạ để không dám tố cáo.

xâm hại tình dụcẢnh minh họa.

Hiện vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về thể chế khiến cho bạo lực tình dục không những không giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian qua. Trong khi đó, Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo vệ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của công dân. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về Quyền Trẻ em năm 1990. Việt Nam cũng là một nước có riêng bộ luật về trẻ em và nhiều quy định luật pháp chính sách tiến bộ về bảo vệ trẻ em. Việt Nam còn có một bộ máy khá toàn diện về chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ trung ương đến địa phương.

Nhiều vụ xâm hại tình dục được phát hiện gần đây, điển hình là vụ 9 cháu bé ở Vũng Tàu bị một người đàn ông cao tuổi xâm hại. Gần đây nhất là vụ cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại nhiều lần bởi một người đàn ông 34 tuổi. Hay vụ cháu bé 7 tuổi ở Thủ Đức, bị kẻ xấu ở trường xâm hại dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Thế nhưng kẻ xấu vẫn chưa bị vạch mặt…

Do đó, GBVNet kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, giải quyết kịp thời và thấu đáo các vụ XHTD đã được tố cáo để lấy lại danh dự, ổn định cuộc sống và tinh thần cho nạn nhân và gia đình, đáp ứng mong mỏi của dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát hệ thống pháp luật, chính sách liên quan nhằm tăng cường quyền lực cho công cụ pháp lý bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, đặc biệt là trẻ em. Tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật để đảm bảo tất cả các vụ XHTD trẻ em phải được đưa ra ánh sáng và giải quyết thấu đáo. Xây dựng một môi trường sống an toàn cho thế hệ tương lai, chống lại bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em…


PV
Ý kiến của bạn