“Bài trừ” kháng sinh trị viêm ruột do Shigella: Ðúng hay sai?

02-07-2017 08:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay, do những thông tin về vấn đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đã khiến không ít các bà mẹ có tâm lý “bài trừ kháng sinh”.

Hiện nay, do những thông tin về vấn đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đã khiến không ít các bà mẹ có tâm lý “bài trừ kháng sinh”. Thậm chí còn chia sẻ đường link, trong đó với nội dung chủ trương ‘’chống kháng sinh’’ trong điều trị viêm ruột do Shigella. Vậy việc “bài trừ” kháng sinh này là đúng hay sai?

Một trường hợp bệnh nhân cụ thể

Một bà mẹ có con bị viêm ruột do Shigella (đã được nuôi cấy định nhanh vi khuẩn tại Bệnh viện), bác sĩ kê thuốc kháng sinh nhưng chị kiên quyết không cho con uống thuốc mà chỉ cho con bú mẹ. Sau 20 ngày căng thẳng chăm sóc con theo cách của mình, bà mẹ này tự hào lên facebook chia sẻ thành tích không dùng kháng sinh mà con vẫn khỏi bệnh. Status này đã được nhiều bà mẹ khác like và chia sẻ... Có lẽ việc làm này của bà mẹ kể trên sẽ gây hiệu ứng lan tỏa rộng và rất có thể nhiều bà mẹ khác sẽ hưởng ứng theo “kinh nghiệm” này. Và đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Có thể nói, trường hợp con của bà mẹ nêu trên đã rất may mắn khỏi bệnh mặc dù không được điều trị bằng kháng sinh. Nhưng đa số trẻ em khi bị viêm ruột do Shigella nếu không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng khó lường. Hơn nữa, việc không điều trị bệnh còn khiến trực khuẩn Shigella lây lan ra cộng đồng và nguy cơ khiến nhiều trẻ khác bị mắc bệnh, thành dịch lớn. Và đó chính là lý do mà khi bạn mắc viêm ruột do lỵ trực khuẩn Shigella, đã được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết và bác sĩ đã kê đơn thì cần phải được điều trị bằng kháng sinh.

Lợi ích của liệu pháp kháng sinh

Mục tiêu của liệu pháp kháng sinh trong điều trị viêm ruột do lỵ trực khuẩn Shigella bao gồm: cải thiện triệu chứng, diệt trừ vi khuẩn  và giảm sự lây lan cho cộng đồng. Việc sử dụng kháng sinh diệt Shigella một cách hợp lý sẽ cải thiện tiêu chảy trong vòng 3 ngày; cải thiện tình trạng sốt trong vòng xấp xỉ 1 ngày và giảm được sự phát tán mầm bệnh ra cộng đồng (từ 2-5 ngày so với 4 tuần nếu không điều trị). Điều trị kháng sinh hợp lý cũng có thể giảm được nguy cơ  tiến triển tới biến chứng. Các biến chứng có thể xảy ra như chảy máu ruột, hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, lồng ruột, sa trực tràng. Phình đại tràng do độc tố có kèm thủng hoặc không. Bội nhiễm viêm túi mật, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm nấm Candida ruột, nhiễm khuẩn huyết do các trực khuẩn ruột. Nặng hơn có thể biến chứng toàn thân (co giật, nhiễm độc thần kinh, truỵ tim mạch, viêm tắc động tĩnh mạch). Hội chứng tan máu - urê huyết, đây là biến chứng ít gặp nhưng lại rất trầm trọng, ảnh hưởng đến hệ thống đông máu và thận. Thường có 3 triệu chứng: thiếu máu do tan máu, giảm tiểu cầu và suy thận. Nếu nặng có thể gây thiếu máu nặng, rối loạn đông máu, gây chảy máu dưới da, niêm mạc và suy thận... Hội chứng Reiter với tam chứng (viêm khớp, viêm niệu đạo, viêm kết mạc mắt) không gây mủ do Chlamydia gây nên. Thường xuất hiện 2 - 3 tuần sau khi khỏi lỵ trực khuẩn (cũng có thể xuất hiện ở ngay giai đoạn toàn phát). Tam chứng này có thể xuất hiện cùng lúc hoặc riêng lẻ. Trước đây người ta coi hội chứng này là biến chứng, nay được coi nó là bạn đồng  hành với bệnh lỵ.

“Bài trừ” kháng sinh trị viêm ruột do Shigella: Ðúng hay sai?Dùng kháng sinh cho trẻ cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.        Ảnh: TM

Bệnh lỵ trực khuẩn có thể gây tử vong trong các thể nhiễm độc nặng, kéo dài và tử vong do các biến chứng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 1995, tỷ lệ tử vong (trong trường hợp không được điều trị bệnh sớm có hiệu quả) là 1-10% tùy theo quốc gia.

Do vậy, những lợi ích của việc dùng thuốc thì vượt trội hơn so với nguy cơ tiềm ẩn của việc vi khuẩn kháng thuốc và tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ nghiêm trọng của kháng sinh trị Shigella được cảnh báo, bao gồm: Sốc phản vệ, phản ứng mẫn cảm, hội chứng Stevan-Johnson. Tuy nhiên, vào năm 2010, một phân tích từ 16 thử nghiệm ngẫu nhiên (với 1.748 trẻ em và người lớn tham gia) cho thấy các kháng sinh trị Shigella được sử dụng đều an toàn, không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được  báo cáo. Liệu pháp kháng sinh không làm xuất hiện sự gia tăng nguy cơ hội chứng tán huyết urê máu cao của Shigella Dysenteria

Chỉ định kháng sinh khi nào?

Quyết định chỉ định kháng sinh liệu pháp phải cân nhắc tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, khả năng diễn biến bệnh và cân nhắc tới sức khỏe của cộng đồng. Shigella có khả năng lây lan rất cao, chỉ cần nuốt phải 10 con vi khuẩn là có thể bị bệnh. Do đó, việc tiệt trừ Shigella còn có ý nghĩa tránh lây lan cho người khác (ví dụ như ở nhà trẻ, bệnh nhân nội trú...). Đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch và bệnh nặng thì khuyến cáo sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm điều trị của bác sĩ để diệt Shigellla.

Ở trẻ em và thiếu niên được nghi ngờ là bị nhiễm Shigella (tiêu chảy phân nhầy máu, đau bụng từng cơn, sốt cao, hiện diện nhiều bạch cầu đa nhân trong phân...), kèm theo các triệu chứng: Bị suy giảm miễn dịch; Có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nhiễm vi khuẩn (tăng cao bạch cầu, hạ thân nhiệt, sốt cao trên 39 độ, lừ đừ). Những bệnh nhân này kháng sinh nên bắt đầu theo kinh nghiệm của bác sĩ sau khi đã lấy phân đi xét nghiệm và lấy máu để cấy. Sau đó điều chỉnh kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ (phân và máu).

Ngoài ra, những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của lỵ trực khuẩn và cấy phân mọc lên Shigella thì khuyến cáo liệu pháp kháng sinh  nếu có một trong 5 yếu tố sau: Có bằng chứng nhiễm khuẩn; yêu cầu phải điều trị nội trú; đi học nhà trẻ; sống trong một tập thể; Có liên quan tới việc làm chế biến đồ ăn. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng và cấy phân dương tính và không thuộc 5 yếu tố trên cũng có thể cân nhắc cho kháng sinh. Điều này phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, nguy cơ lây truyền cho người khác.

Đối với những trẻ nghi ngờ nhiễm Shigella nhưng không rơi vào các tình huống vừa nêu (không suy giảm miễn dịch, không hoặc chưa  có  kết quả cấy phân) thì dùng kháng sinh khi có một trong các mục sau: Có yếu tố dịch tễ mạnh (đang trong vụ dịch, người trong nhà cấy phân lên dương tính với Shigella); triệu chứng lâm sàng điển hình.

Không sử dụng kháng sinh cho hầu hết các trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc đang hồi phục tự nhiên. Tuy nhiên vẫn phải dùng kháng sinh cho những trẻ này tại thời điểm  kết quả nuôi cấy trả về có dương tính với Shigella và trẻ đang đi nhà trẻ, sống trong tập thể đông hoặc đang nằm điều trị nội trú nhằm tránh lây lan cho người khác.

Việc lựa chọn kháng sinh nào bác sĩ sẽ tùy thuộc từng bệnh nhân cụ thể để kê đơn. Bệnh nhân không được tự ý mua kháng sinh về tự điều trị và cũng không bỏ điều trị ngang chừng.


BS. Trần Văn Công
Ý kiến của bạn