Bác sĩ “mổ xẻ” trào lưu detox nguy hiểm đang lan truyền khắp mạng xã hội

22-08-2016 10:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chưa bao giờ các phương pháp giải độc, thanh lọc cơ thể (hay còn gọi là detox, cleansing) lại được dân tình bàn luận rôm rả và bắt tay vào thực hiện rầm rộ như hiện nay. Từ chanh, ớt, mía, café, dầu olive… bỗng chốc biến thành các “thực phẩm vàng” giúp detox thành công. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lên tiếng cảnh báo mọi người đang tự đầu độc sức khỏe bản thân bởi hiệu quả chưa thấy đâu nhưng đã có trường hợp phải nhập viện cấp cứu sau khi detox.

Detox từ chanh, ớt đến mía, café, dầu olive…

Tìm kiếm từ khóa “detox” trên google cho ra hàng triệu kết quả chỉ trong chưa đầy một giây. Trong đó, nhóm detox để đốt mỡ giảm cân bằng nhịn ăn, uống nước chanh tươi, hay dùng nước mía nguyên chất với nước ớt ngọt, cà phê, bằng nước muối... nhận được nhiều lời bàn tán xôn xao của cư dân mạng. Đối tượng hào hứng nhất với detox phải kể đến là các chị em phụ nữ luôn mong muốn cơ thể vừa thải được cặn bã vừa giảm được cân. Đáng chú ý là có những hình ảnh ‘người thực việc thực’ khi thực hiện phương pháp detox nhận được sự theo dõi của nhiều người. Cách đây không lâu, một nhà thơ khá nổi tiếng cũng đã chia sẻ chi tiết quá trình detox trên trang cá nhân của mình, ông này cho biết đã giảm 10kg; 34cm vòng bụng trong 12 ngày.

Những hướng dẫn detox, thải độc xuất hiện nhan nhản trên mạng

Cách làm của đa số họ là thực hiện detox bằng nước mía nguyên chất với nước ớt ngọt mà không ăn thêm bất cứ một thực phẩm hay nước uống nào khác. Cũng có người thực hiện detox bằng nước chanh tươi pha với nước lọc và chỉ uống nước chanh tươi trong vòng 12 ngày. Số khác thì detox bằng dầu olive pha nước chanh... Các phương pháp detox này được truyền tụng là giúp cơ thể đào thải ra các chất có hại cho cơ thể, giải độc gan, ngoài ra còn giúp chữa các bệnh về khớp, đào thải mỡ vùng bụng, cánh tay và đùi rất hiệu quả; đồng thời giảm cân rất tốt, thậm chí phòng ngừa được cả bệnh ung thư (?). Đánh trúng tâm lý số đông, trào lưu detox nhanh chóng lan rộng khiến “người người detox, nhà nhà detox” nhưng hiệu quả của phương pháp này đến đâu thì vẫn khá mơ hồ.

Chưa thải được độc đã nhập viện vì tiêu chảy

Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai vừa cấp cứu một BN tiêu chảy sau khi thực hiện các phương pháp detox. BN nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, chân tay bủn rủn, cơ thể mất nước nặng. Đặc biệt BN cho biết bị đi ngoài nhiều lần trong ngày (khoảng 20 lần).

Qua khai thác tiền sử BN cho hay, thấy mọi người bàn tán nhiều về trào lưu thải độc, thanh lọc cơ thể nên chị cũng nhanh chóng áp dụng bằng cách thực hiện theo hướng dẫn trên. Tuy nhiên, độc đâu chưa thải được thì chị này đã phải nhập viện cấp cứu vì tiêu chảy. Kết quả thăm khám cũng cho thấy, BN có biểu hiện suy thận cấp, rối loạn điện giải nặng và phải điều trị gần một tháng, chi phí tốn kém vài chục triệu đồng.

Theo BS. Ngô Đức Hùng, khi bị tiêu chảy, các mảng tế bào niêm mạc đường tiêu hóa vốn rất mong manh dễ dàng bong ra, kéo theo rất nhiều vi khuẩn sống cộng sinh trong đó giúp tiêu hóa thức ăn cũng bị đẩy ra ngoài. Sau mỗi lần như vậy, cơ thể phải mất rất nhiều thời gian để có thể hồi phục được.

Những ngộ nhận “chết người”

Một cơ thể khỏe mạnh là điều ai cũng mong muốn nhưng liệu chạy theo các phương pháp detox chưa được ngành y khuyến cáo thì có thực sự mang lại lợi ích sức khỏe? Đi sâu phân tích vấn đề này, ThS. Hùng, khoa cấp cứu A9 BV Bạch Mai cho biết:"Nước chiếm 60-70% cơ thể một con người trưởng thành. Hàng ngày, cơ thể nếu không hoạt động gì cũng mất gần 0,5lít qua hơi thở và mồ hôi, đi đại tiện mất 200-300ml, tiểu tiện mất 1,5lít. Cơ thể tự sinh ra 0,2lít do các phản ứng hoá học. Chính vì vậy cần phải cung cấp nước cho cơ thể khoảng 2lít/ngày, nếu nhiều hơn thì sẽ thải ra qua đường đại, tiểu tiện, đó là chưa kể hoạt động thể thao. Với những người làm việc nhẹ nhàng như nhân viên văn phòng thì chỉ cần 2lít nước/ngày là đủ.

Ruột là nơi hấp thu nước chính, mỗi ngày ruột hút đến 10lít dịch, trong đó có 2lít con người uống vào và 8lít dịch đường tiêu hoá tiết ra. Để ý thấy, mỗi lần khát nước, đấy là khi cơ thể đang “kêu gào” thiếu nước, chúng ta chỉ cần uống một cốc nước trong vài giây đồng hồ cảm giác khát sẽ hết, đấy là nước được hấp thu vào máu và “báo hiệu” cho não biết là nước đã vào máu. Thế nên, việc mỗi buổi sáng uống 2lít nước pha lẫn chanh, hoa quả như mọi người lan truyền đó là cung cấp nước sinh lý cho cơ thể chứ không phải để “quét ruột”. Nếu uống quá nhiều nước sẽ gây ra gánh nặng cho quả tim và hai quả thận phải làm việc thêm giờ để đưa nước thừa ra ngoài bằng tiểu tiện. Hoặc thừa quá nó sẽ kích thích đường ruột đưa ra ngoài bằng cách đại tiện. Pha mấy thứ chua chua và cay cay càng kích thích đi đại tiện nhiều hơn.


Với Vitamin C, có thể hiểu nôm na là chất chống ôxy hóa, mặc dù trong y học, nó là một vitamin như bao nhiêu vitamin khác, chỉ ít nguy hiểm hơn, nếu thừa nó sẽ thải qua thận và là một trong những yếu tố góp phần gây sỏi thận mặc dù không nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều người lại mặc định Vitamin C có nhiều trong quả chanh, để rồi rỉ tai nhau uống nước chanh mật ong vào buổi sáng sớm. Nước chanh rất chua, thành phần chủ yếu là acid citric. Hàm lượng Vitamin C cũng có trong múi chanh nhưng không nhiều, nó tập chung chủ yếu ở phần…vỏ và cùi trắng. Trong tự nhiên, vitamin C có nhiều nhất ở cần tây và rau ngót, không phải trong múi quả chanh.

Detox bằng nước chanh buổi sáng khi đói là một sai lầm. Nước chanh chứa rất nhiều acid citric rất hại cho đường ruột. Acid citric là acid yếu tham gia vào chu trình Kreb (là một chuỗi các phản ứng hóa học xúc tác bởi enzyme có vai trò quan trọng bậc nhất trong mọi tế bào sống có dùng ôxy trong hô hấp tế bào) trong ti thể của tế bào. Nhưng không có nghĩa là dùng nó thì có thêm năng lượng và tốt cho chuyển hoá. Uống acid kéo dài sẽ làm tăng [H ] nghĩa là cơ thể sẽ phải tìm cách đào thải nó, có thông tin cho rằng nó tốt cho thận, nhưng có tốt thật hay không thì vẫn là "dường như", còn vấn đề xử lý thăng bằng toan kiềm trong máu thì rõ ràng cơ thể phải xử lý [H ] ngoại lai.

Thải độc có khả năng nguy hại tới sức khoẻ.

Rồi ớt bột pha vào nước, lúc đói nó kích thích niêm mạc dạ dày và kích thích nhu động đường tiêu hoá. Cho nên dùng bột ớt để detox là sai lầm. Mọi người còn rỉ tai nhau ăn hoa quả để detox sau khi uống mấy thứ nước hỗn hợp như trên, bảo để thanh lọc cơ thể. Hoa quả, bản chất chứa đầy Fructose và các đường thuỷ phân khác, khi vào cơ thể thì Fructose dễ chuyển thành Glucose và cung cấp năng lượng nhanh chóng hơn và khi thừa thì không gây ra tác hại gì. Như thế nghĩa là cơ thể chỉ dùng carbonhydrat, không thể giảm cân được trừ khi nhịn đói. Mà giảm cân kiểu nhịn đói là cách phản khoa học.

Cơ thể hoạt động chủ yếu bằng năng lượng lấy từ đốt cháy carbonhydrat, đó là glucose bị ném vào chu trình Kreb vừa nói ở trên, khi hết carbonhydrat nó sẽ dùng đến lipid và protid nghĩa là mỡ và cơ. Vậy muốn giảm mỡ và giảm béo, cách tốt nhất là hoạt động thể lực.


Bài 2: Detox sai cách chẳng khác gì... "ăn thịt" bản thân


Dương Hải
Ý kiến của bạn