Bác sĩ Bugi trả lời thắc mắc của bệnh nhân hỏng van

19-04-2018 21:38 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Bác sĩ ơi, liệu có ai mới ngoài 50 tuổi mà đã phải… đóng bỉm như tôi không?

Ở Mỹ có anh John Michael-Williams 30 tuổi có sở thích mặc bỉm. Anh ấy là một ví dụ tiêu biểu của ABDL, còn được gọi là nhóm những người lớn yêu bỉm, trong đó nhiều phụ nữ và đàn ông tin rằng con người có quyền chọn làm người lớn hay không.

Nhưng trường hợp của anh thì rõ ràng không như anh chàng Williams kia, mà là   nằm trong số nam giới phải sử dụng bỉm không do ý thích bản thân. Y học gọi đó là bệnh tiểu không tự chủ. Là tình trạng không thể kiểm soát được nước tiểu. Nước tiểu rỉ ra không tự kiểm soát được, thường xảy ra khi gắng sức, khi rất mắc tiểu và hay nặng lên vào cuối ngày.  Tuy nhiên đừng nhầm lẫn với triệu chứng có vài giọt nước tiểu nhỏ ra sau khi đã tiểu tiện.

Do cấu trúc giải phẫu cơ thể, bệnh gặp ở các ông ít hơn ở nữ giới, chỉ chiếm khoảng 3 - 5% dân số nhưng khi tuổi tác càng “lên luống lên liếp” thì tỉ lệ này không thấp đâu. 10% ở tuổi 60 và 30% ở tuổi 90. Như vậy có thể nói ngoài 50 mà va phải căn bệnh này thì cũng không quá ngoại lệ.

Tư vấn: ThS.BS. Nguyễn Thế Lương.

Tư vấn: ThS.BS. Nguyễn Thế Lương.

Những ai có thể là nạn nhân của căn bệnh này?

Có nhiều nguyên nhân khiến các ông lâm vào tình cảnh biết ngỏ cùng ai này. Hay gặp nhất là do từng bị chấn thương vùng tiểu khung hoặc ảnh hưởng sau phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt. Các ông bị tiểu đường, đột quỵ, xơ hóa rải rác... cũng có thể thấy hiện tượng này.

Song đôi khi, nó lại không có nguyên nhân rõ ràng. Chẳng hạn người có vấn đề ở bàng quang. Bàng quang co thắt không đúng thời điểm hoặc co thắt quá mạnh khiến nước tiểu bị thoát ra ngoài/ Cơ quanh niệu đạo bị tổn thương hay bị yếu, nước tiểu có thể bị thoát ra kể cả khi không có vấn đề gì về bàng quang / Khi đi tiểu không hết, bàng quang vẫn còn nước tiểu. Điều này làm nước tiểu nhanh đầy trong bàng quang. Nếu quá đầy trong bàng quang, nước tiểu có thể tự thoát ra ngoài/  Nếu có một lý do nào đó làm nghẽn tắc đường tiểu ra khỏi bàng quang, bướu tiền liệt tuyến chẳng hạn, nước tiểu ứ đọng nhiều trong bàng quang, đến một lúc nào đó cũng sẽ tự rò ra ngoài.

Liệu đó có phải là dấu hiệu đã đến lúc “giã từ vũ khí”?

Hoàn toàn không và bệnh có thể điều trị được.

Dĩ nhiên, căn bệnh này gây không ít buồn phiền cho các ông, có người thậm chí phải dùng... băng vệ sinh để tránh nước tiểu bỗng dưng tự rỉ ra quần, gây ra biết bao phiền toái. Tâm lý ức chế sẽ làm giảm đáng kể chất lượng sống. Người có bệnh luôn luôn lo lắng, dễ bị mất hứng thú với công việc, với các niềm vui trong cuộc sống. Thậm chí nghiêm trọng hơn có nhiều ông nghĩ mình là người không bình thường, tự tách mình ra khỏi cộng đồng.

Oái ăm nữa là, ở các ông cái khu vệ sinh nó lại lẫn với khu vui chơi. Trong khi ở các bà, dù hai khu này chỉ gần nhau mà cũng đã phiền toái lắm rồi nếu chẳng may mắc căn bệnh khó chịu này. Van không vặn được chặt thì làm sao ngăn được cái mùi oai oải oi oi nó cứ phảng phất, có nguy cơ phá hỏng cả cuộc yêu. Đó là chỉ nói tới chuyện sinh hoạt theo phong cách truyền thống, đã khiến các ông hỏng vanvòi nước ngần ngại. Còn chưa kể đến những màn yêu đương kiểu Pháp, là oral sex ý mà. Ôi thôi, miệng hoa nào có can đảm mơn trớn cái đối tượng nguy hiểm không biết phọt tinh túy ra bất cứ lúc nào.

Cứ như thế mà các căn bệnh khác ùn ùn kéo đến. Như mất ngủ, stress, trầm cảm... Mà trầm cảm lại có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn. Thật đúng là cái vòng luẩn quẩn.

Tuy nhiên, tin vui là bệnh hoàn toàn có thể điều trị được. Tùy theo từng trường hợp mà người bệnh được tư vấn theo phác đồ điều trị khác nhau. Cách điều trị chủ yếu là các ông cần tăng cường tập thể dục, kết hợp với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, ít trường hợp cần đến phẫu thuật. Bên cạnh điều trị, các ông cũng cần làm một số việc để thay đổi lối sống. Điều này cũng hữu hiệu để kiểm soát được tình trạng phập phù đầu ra. Những biện pháp đó là: ♣ Không dùng thức uống có chất caffeine (cà phê và trà), không dùng thức uống có gas, không uống rượu. ♣ Khẩu phần ăn có nhiều chất xơ để tránh táo bón. ♣ Không hút thuốc lá. ♣ Kiểm soát cân nặng để có được một thể trạng lý tưởng (BMI trong khoảng 18,5 đến 25).

Ngoài ra, nhờ sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa niệu hay vật lý trị liệu các ông có thể tập những bài tập cơ sàn chậu. Dễ dàng tập luyện nhất là bài tập Kegel để giúp cơ chậu khỏe mạnh, điều trị tiểu không tự chủ, đặc biệt là tiểu không tự chủ do căng thẳng. Bài tập Kegel như sau: Làm động tác như khi ta nín tiểu, giữ cho sự co thắt cơ vùng chậu như thế trong 10 giây, sau đó thả lỏng trong 10 giây, sau đó lặp lại bước thứ hai vài lần nữa. Tiếp tục tập luyện như vậy nhiều lần trong ngày. Nên tập trong mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang ngồi, đang đọc báo hay đang tán gẫu.

“Giáo dục” lại bàng quang bằng cách tập đi tiểu điều độ, cứ nửa giờ lại vào nhà vệ sinh dù có cảm giác buồn hay không. Khi nhịp độ đó được duy trì, khoảng cách giữa những lần đi tiểu sẽ kéo dài hơn 3-4 giờ.

John Michael-Williams, người có sở thích mặc bỉm.

John Michael-Williams, người có sở thích mặc bỉm.

Có lời khuyên nào của bác sĩ riêng dành cho chúng tôi?

Nên mặc những loại quần áo dễ thay để đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa mùi khó chịu. Một số người hãi khi nghĩ đến cảnh phải đeo bỉm nhưng trên thị trường hiện đã có nhiều loại miếng lót chuyên dụng rất thoải mái được ngụy trang khéo dễ dàng che mắt thiên hạ.

Một bạn tình tế nhị cũng sẽ là niềm an ủi lớn. Mà muốn như vậy, cần có sự thông hiểu và chia sẻ chân thành.


V.H.T(ghi)
Ý kiến của bạn