Khoảng 90% sản phẩm được tự công bố
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Nghị định 15 quy định tất các các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Có 2 hình thức công bố là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, các nhóm sản phẩm phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông, đó là: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định
Còn các sản phẩm khác, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước do UBND tỉnh chỉ định.
“Như vậy, có đến khoảng 90% sản phẩm được tự công bố. Quy định này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm” - TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Ảnh: TM
Giảm thời gian, thủ tục công bố từ 7- 9 ngày
Thực hiện việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP, Nghị định 15 quy định, đối với hình thức phải đăng ký bản công bố sản phẩm: Về trình tự, thủ tục đăng ký bản công bố được giảm các giấy tờ và thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày trừ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày.
Nghị định mới quy định trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm: thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về ATTP để công khai cho người tiêu dùng và các cơ quan có liên quan được biết.
Mở rộng việc miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP
Theo thông tin Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, tại Nghị định 15 đã mở rộng các đối tượng miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP với 10 trường hợp không cần xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP
Thay đổi căn bản trong kiểm soát về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu
Nghị định 15 bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; Sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nếu như trước đây, 100% sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải tiền kiểm, dẫn đến thời gian thông quan lâu, lưu kho dài ngày gây khó khăn cho doanh nghiệp, thì nay với các sản phẩm này, cơ quan hải quan chỉ cần kiểm tra xác suất 1-5% trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây. Nhờ vậy đã giảm 90-95% thủ tục hành chính, không còn đại diện 3 bộ quản lý nhà nước về ATTP thường trực ở cửa khẩu mà chỉ có hải quan.
90% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo
Tại cuộc gặp gỡ báo chí, Cục trưởng Cục ATTP cũng thông tin, Nghị định 15 chỉ quy định các nhóm sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật quảng cáo) phải được đăng ký và thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn do UBND tỉnh giao) trước khi quảng cáo. “Như vậy, có đến 90% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo như quy định trước đây. Nghị định cũng quy định không phải thực hiện đăng ký lại nội dung quảng cáo nếu không có sự thay đổi về nội dung quảng cáo so với hồ sơ đã đăng ký” - ông Phong cho biết.
Phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP
Một vấn đề được quan tâm là trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý ATTP, ông Phong cho hay: Để tránh chồng chéo, bỏ sót trong phân công quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Nghị định đã quy định nguyên tắc phân công quản lý nhà nước theo hướng, đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý.
Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản) do ngành Công Thương quản lý.
Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.
Quy định các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý; Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các Bộ quản lý chuyên ngành và các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành.
Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.