5 phương pháp cai nghiện gây tranh cãi

23-07-2014 07:00 | Dược
google news

SKĐS - Nghiện là sự lặp đi lặp lại mang tính liên tục của một hành vi bất chấp hậu quả xấu. Rất đa dạng như nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện thuốc lá cho đến nghiện game, cờ bạc hay tình dục...

Nghiện là sự lặp đi lặp lại mang tính liên tục của một hành vi bất chấp hậu quả xấu. Rất đa dạng như nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện thuốc lá cho đến nghiện game, cờ bạc hay tình dục... Để cai được căn bệnh này, con người đã áp dụng rất nhiều biện pháp, trong đó có cả những phương pháp gây tranh cãi như 5 liệu pháp dưới đây.

1. Trại cai nghiện internet

Không ai phủ nhận vai trò tác dụng của mạng điện toán internet nhưng do lạm dụng nên phát sinh nghiện. Ví dụ: Trung Quốc hiện có trên 300 triệu “cư dân mạng”, rất nhiều trong số này nghiện nặng, kể cả trẻ em buộc chính phủ phải can thiệp. Tại Bắc Kinh hiện có một trại cai nghiện internet do Đại tá quân đội Tao Rai quản lý, quy tụ những đứa trẻ nghiện nặng, duy trì kỷ luật không khác gì quân đội, từ trang phục, giờ giấc cho đến ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Tất cả các học viên phải tuân thủ các quy định như không được dùng máy tính, điện thoại di động, sáng dậy sớm, tập thể dục, đọc sách báo và tham gia các hoạt động thể thao hay vui chơi cho đến 9 giờ 30 phút tối, sau đó phải lên giường đi ngủ theo lệnh của trung tâm. Mô hình của Đại tá Rai đã thu được kết quả đáng khích lệ, được nhiều nơi áp dụng. Năm 2013, ở Nhật, người ta cũng xây dựng mô hình tương tự có tên Trại cai nghiện internet ăn chay. Lợi thế của phương pháp cai nghiện kiểu này phù hợp với lứa tuổi vị thành niên, ưu việt hơn so với liệu pháp sốc điện áp dụng ở Nanning, Trung Quốc năm 2009 vì nó gây chết người.

Phẫu thuật não để cai nghiện hiện vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi.

Phẫu thuật não để cai nghiện hiện vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi.

2. Phẫu thuật não

Phẫu thuật não (Lobotomy) là phương án cai nghiện đã từng được đề cập từ thập niên 50 thế kỷ trước. Đây là phương pháp cai nghiện gây tranh cãi, nhưng hiện ở một số nơi người ta vẫn áp dụng phương pháp này. Ví dụ, năm 2002 các bác sĩ người Nga đã dùng thủ thuật nói trên để cai nghiện ma túy nặng. Theo đó, người ta đã khoan một lỗ nhỏ trên hộp sọ, sau đó phẫu thuật lấy ra khoảng 1mm3 mô não ở hai bên thùy não. Từ năm 1999 đến 2002, các bác sĩ đã điều trị cho 335 bệnh nhân bằng thủ thuật này, nhiều ca thành công, ngoại trừ tác dụng phụ là gây đau đầu và mất tỉnh táo. Do hại nhiều hơn lợi nên cuối cùng Chính phủ Nga đã cấm. Tuy nhiên, việc phẫu thuật não vẫn được ứng dụng tại Trung Quốc, đến năm 2012, vẫn còn trên 1.000 người được điều trị bằng phương pháp đốt tế bào vùng nhân não có tên nucleus accumbens. Đây là vùng bài tiết dopamine, hóa chất giúp người ta cảm thấy dễ chịu. Bằng cách đốt các tế bào này, các nhà khoa học tin rằng họ sẽ kiểm soát được chứng nghiện, nhưng mặt trái lại chưa lường hết, đặc biệt là triệt tiêu khả năng cảm nhận của cơ thể. Tổng thể, phương pháp phẫu thuật tiêu diệt tế bào nói trên mang lại kết quả nhưng vẫn có phản ứng phụ, chưa kể tranh cãi mang tính đạo đức, bởi người ta quan niệm đây là giải pháp cuối cùng.

3. Ngủ sâu

Một trong những phương pháp cai nghiện gây tranh cãi thập niên 60,70 ở thế kỷ trước là liệu pháp ngủ sâu của TS. Harry Bailey, người Australia, được Bệnh viện Celmsford ở Sydney thực hành và ứng dụng. TheoTS. Harry, liệu pháp này có thể điều trị cho những người nghiện, mắc bệnh tâm thần phân liệt, chán ăn thông qua giấc ngủ triệt để, dài tới 2 tuần lễ. Khi tỉnh dậy, người bệnh sẽ gạt bỏ hành vi xấu của mình và bắt đầu một cuộc sống mới. Đáng tiếc, cách chữa nghiện này đã gây tổn thương trầm trọng. Trong vòng 17 năm đã có khoảng 80 người thiệt mạng. Lý do, Harry Bailey đã cho những người này sử dụng liều thuốc an thần quá lớn, kết hợp sốc điện nên khi ngủ cơ bắp không nghỉ và gây ra nhiều tác dụng phụ khác, thậm chí cả những người qua điều trị đã tìm cách quyên sinh. Năm 1979, liệu pháp này đã được khai tử, còn TS. Harry Bailey sau đó đã tìm cách quyên sinh để tránh bị truy tố.

4. Trò chơi Tetris

Nhóm chuyên gia ở ĐH Plymonth Mỹ do nữ tiến sĩ Jessica Skorka-Brown đứng đầu mới đây đã tìm ra một phương pháp cai nghiện độc đáo, dùng trò chơi Tetris để cai nghiện. Tetris là một trò chơi điện tử đầu tiên được thiết kế và phát triển năm 1984 bởi Alexey Pajitnov ở Viện hàn lâm Khoa học Moskva (Liên Xô cũ). Trò chơi này được bán cho hầu hết mọi máy trò chơi điện tử và hệ điều hành máy tính, cũng như trong các máy tính đồ họa, điện thoại di động, máy nghe nhạc di động, PDA và nhiều thiết bị cá nhân khác. Tetris được bình chọn là trò chơi vĩ đại nhất thế giới xưa và nay, phát hành được hơn 70 triệu phiên bản.

Nguyên lý là dùng trò chơi Tetris, hướng suy nghĩ của con người vào trò chơi này, làm gián đoạn cơn nghiện, giúp người trong cuộc kiểm soát và chống lại cơn nghiện. Qua thử nghiệm ở nhóm người tình nguyện nghiện thuốc lá, các nhà khoa học phát hiện thấy chứng nghiện giảm đi rõ rệt, sau 3 phút mức độ nghiện giảm được 24% so với nhóm đối chứng. Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học cho rằng ở nhóm người nghiện, nhất là nghiện nicotin, nghiện thực phẩm hay rượu khi thèm các chất kích thích có thể vào mạng chơi game, tốt hơn so với phương pháp ăn kẹo hay dùng chất thay thế nicotin.

5. Cai nghiện bằng sốc điện

Đây là phương pháp cai nghiện Facebook có tên Pavlov Poke do 2 chuyên gia Robert R. Morris và Daniel McDuff ở Trung tâm Nghiên cứu thí nghiệm thuộc Viện công nghệ MIT, Mỹ đề xướng, được xem là phương pháp cai nghiện kì quặc, truyền điện cho cơ thể mỗi khi truy cập Facebook quá thời gian cho phép. Phương pháp cai nghiện này được đi theo nguyên lý của Ivan Pavlov, nhà sinh lý học, tâm lý học và thầy thuốc người Nga, dùng để huấn luyện chó theo ý định chủ quan của con người. Tuy nhiên, dòng điện ở đây chỉ để người ta sợ chứ không gây nguy hiểm.

Người nghiện Facebook sẽ được kết nối Pavlov Poke thông qua cổng USB và cài đặt một phần mềm, cho phép theo dõi các trang web và chương trình đang chạy trên máy tính. Trường hợp truy cập quá lâu, phần mềm sẽ gửi thông báo nhắc trên màn hình. Nếu bỏ qua thì Pavlov Poke sẽ truyền sốc điện buộc người thao tác phải ngưng thao tác. Tuy có kết quả nhưng phương pháp này cũng bị chỉ trích là gây tổn thương đến hệ thần kinh, lâu ngày có thể để lại những phản ứng phụ bất lợi. Nhóm người ủng hộ thì cho rằng đây là giải pháp cai nghiện mạng tốt nhất bởi Facebook còn gây nghiện mạnh hơn cả rượu và thuốc lá, cướp đi thời gian, năng suất công việc và gây nhiều bất lợi khác cho con người.

(Theo Net/ TTN, 7/2014 )

Khắc Nam

 


Ý kiến của bạn